"Cách duy nhất để nền dân chủ Mỹ có thể vận hành đúng nghĩa là thông qua thỏa hiệp và đồng thuận", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ngày 2/6, trong bài phát biểu đầu tiên được ghi hình ở Phòng Bầu dục của Nhà Trắng gửi đến toàn thể người dân Mỹ.
Ông nhấn mạnh cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều không đạt được toàn bộ những điều mỗi bên mong muốn trong thỏa thuận trần nợ. Tuy nhiên, bằng cách chấp nhận thỏa hiệp, các bên giúp nước Mỹ "tránh được thảm họa và cuộc sụp đổ kinh tế". Ông cho rằng nếu cuộc đàm phán trần nợ giữa hai bên bất thành, nước Mỹ sẽ đối mặt nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Ông Biden cho biết sẽ ký phê duyệt Dự luật Trách nhiệm Tài chính, cụ thể hóa thỏa thuận trần nợ, trong hôm nay, chấm dứt nhiều tháng tranh cãi giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh vai trò cá nhân trong thúc đẩy thỏa hiệp lưỡng đảng. Ông nhắc lại rằng, từ khi tranh cử năm 2020 đến nay, thông điệp xuyên suốt của ông là đồng thuận lưỡng đảng vẫn khả thi và phe Dân chủ - Cộng hòa có thể làm việc cùng nhau.
Trước đó, nhiều thành viên phe Dân chủ đã hối thúc ông Biden kích hoạt Tu chính án thứ 14 trong hiến pháp để vượt quyền quốc hội, giúp nước Mỹ tránh vỡ nợ. Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã từ chối làm điều đó mà vẫn kiên trì đàm phán với phe Cộng hòa để đạt thỏa thuận.
Đây là lần đầu trong nhiệm kỳ ông Biden ghi hình thông điệp gửi người dân từ bàn làm việc trong Phòng Bầu dục. Nhà Trắng cho biết ông Biden quyết định sử dụng hình thức này cho bài phát biểu đêm 2/6 vì thỏa thuận trần nợ có ý nghĩa rất lớn đối với nước Mỹ.
Các tổng thống Mỹ thường dành hình thức phát biểu từ Phòng Bầu dục cho những sự kiện quan trọng đối với lịch sử đất nước và nhiệm kỳ bản thân. Tổng thống Ronald Reagan từng làm như vậy khi thông báo đến người dân vụ nổ tàu con thoi Challenger vào năm 1986. Tổng thống George W. Bush phát biểu từ Phòng Bầu dục sau sự kiện khủng bố 11/9/2001. Tổng thống Barack Obama có bài phát biểu với cùng hình thức sau thảm họa tràn dầu trên Vịnh Mexico vào năm 2010.
Dự luật Trách nhiệm Tài chính đã được thông qua ở Thượng viện Mỹ vào tối 1/6 với 63 phiếu thuận, chỉ một ngày sau khi được thông qua ở Hạ viện.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội hôm 30/5 cho biết thỏa thuận này sẽ giúp tiết kiệm 1,5 nghìn tỷ USD trong một thập niên, thấp hơn mức 4,8 nghìn tỷ USD mà đảng Cộng hòa nhắm đến trong dự luật được họ thông qua tại Hạ viện hồi tháng 4 nhưng bị Nhà Trắng và Thượng viện phản đối.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và Tổng thống Biden đạt thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công vào cuối ngày 27/5, sau nhiều tuần đàm phán. Thỏa thuận bao gồm đình chỉ trần nợ trong hai năm, hạn chế chi tiêu trong thời gian đó, thu hồi ngân sách chưa sử dụng từ quỹ hỗ trợ Covid-19, tăng tốc cấp phép một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện với các chương trình phúc lợi cho người nghèo.
Thanh Danh (Theo CNN, Reuters)