Trong bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 29/9 với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương, Tổng thống Joe Biden cho biết "thỏa thuận tuyệt vời nhất lịch sử của chúng ta sẽ được viết tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong những năm và thập kỷ tới".
"Các quốc đảo ở Thái Bình Dương là tiếng nói quan trọng trong định hình tương lai tại đây. Đó là lý do chính quyền của tôi ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác giữa Mỹ với các quốc gia của bạn", Tổng thống Biden khẳng định.
Tổng thống Biden cùng ngày tiếp lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương, tham gia tiệc chiêu đãi và chụp ảnh chung. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden nói rằng lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 29/9 cùng những nghị sĩ Mỹ khác, cũng như các nhóm phụ trách kinh doanh tại Phòng thương mại Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại một sự kiện ở thủ đô Washington ngày 28/9. Ảnh: AP.
Hội nghị thượng đỉnh bắt đầu ngày 28/9 khi Ngoại trưởng Antony Blinken tiếp đón lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng như tham dự nhiều sự kiện với một số quan chức cấp cao trong chính quyền Biden, trong đó có Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ phụ trách khí hậu John Kerry.
Lãnh đạo hoặc đại diện các quốc đảo Thái Bình Dương được mời tới hội nghị thượng đỉnh đến từ Quần đảo Cook, Fiji, Polynesia thuộc Pháp, Micronesia, Quần đảo Marshall, New Caledonia, Palau, Papua New Guinea, Samoa, Quần đảo Solomon, Tonga, Tuvalu, Nauru và Vanuatu. Australia, New Zealand và Tổng thư ký Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương tham dự với tư cách quan sát viên.
Nhà Trắng ngày 28/9 thông báo "Mỹ đã trực tiếp cung cấp hơn 1,5 tỷ USD để hỗ trợ các quần đảo Thái Bình Dương trong thập kỷ qua, hôm nay chúng tôi công bố hơn 810 triệu USD bổ sung cho các chương trình mở rộng".
Nhà Trắng cũng ra tuyên bố 9 điểm nêu rõ các cam kết tập trung vào hỗ trợ quan hệ đối tác Mỹ - Thái Bình Dương, xây dựng năng lực của Mỹ trong khu vực, phối hợp với các đồng minh và đối tác, khí hậu, kinh tế, an ninh và hợp tác hàng hải, an ninh mạng và kết nối, Covid-19 và an ninh y tế, giải quyết hậu quả chiến tranh.
Chính quyền Tổng thống Biden đã công bố Chiến lược Mỹ - Quốc đảo Thái Bình Dương vào ngày 28/9. Chiến lược này bao gồm nỗ lực mở rộng các cơ quan ngoại giao Mỹ tại Thái Bình Dương và cam kết triển khai thêm nhân sự tới khu vực.
Chiến lược cũng thành lập phái đoàn đầu tiên của Mỹ tại Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương và thực hiện một số cam kết về khí hậu, tăng cường hiện diện của tuần duyên, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại Dương cùng Bộ Quốc phòng Mỹ trong khu vực.
"Mục đích của tài liệu là làm mọi thứ phù hợp rõ ràng với các mục tiêu khung lớn hơn của chúng tôi. Điều này đặc biệt nhằm vào các mối quan tâm và mục tiêu ở Thái Bình Dương nói chung", một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, đồng thời giải thích hội nghị thượng đỉnh nhằm "giải quyết những thách thức khó khăn nhất ở Thái Bình Dương".
Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương được tổ chức trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường mở rộng quan hệ với khu vực. Trung Quốc hồi tháng 4 ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon, hứa hẹn hợp tác trong thương mại và giáo dục.
Bất chấp Trung Quốc bác bỏ thông tin nước này sẽ thiết lập căn cứ quân sự trên Quần đảo Solomon, Mỹ và Australia vẫn bày tỏ quan ngại sau thông báo về thỏa thuận an ninh giữa hai bên.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)