"Nói một cách thẳng thắn, một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tấn công nước láng giềng, tìm cách xóa bỏ một nhà nước có chủ quyền khỏi bản đồ", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm nay, đề cập tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
"Nga đã vi phạm những nguyên tắc cốt lõi nhất của hiến chương Liên Hợp Quốc", ông Biden nói thêm, cho rằng xung đột Ukraine là "cuộc chiến do một người lựa chọn".
Tổng thống Mỹ cho rằng người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã tuyên bố phải hành động và mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vì Moskva "bị đe dọa". "Không ai đe dọa Nga cả, không ai muốn tìm kiếm xung đột ngoài Nga", ông Biden nói.
"Tổng thống Putin đã đưa ra lời đe dọa hạt nhân đối với châu Âu và coi thường trách nhiệm của một quốc gia không phổ biến vũ khí hạt nhân. Bây giờ Nga đang huy động thêm binh sĩ tham gia xung đột và Điện Kremlin tính tổ chức cuộc trưng cầu dân ý giả nhằm kiểm soát các lãnh thổ Ukraine. Đây là sự vi phạm cực kỳ nghiêm trọng tới hiến chương Liên Hợp Quốc", Tổng thống Biden tuyên bố.
Trước đó, ông Putin đã ra lệnh động viên một phần, triệu tập lực lượng dự bị, chủ yếu là quân nhân đã giải ngũ, có chuyên môn và kinh nghiệm quân sự nhất định. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết với lệnh động viên này, quân đội Nga dự kiến huy động thêm 300.000 quân nhân dự bị để họ phục vụ chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tổng thống Mỹ còn cáo buộc Nga gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và "chỉ có Nga mới có thể chấm dứt điều này".
Ông nói Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine. "Chúng tôi chọn các nguyên tắc mà mọi bên phải tuân theo trong hiến chương Liên Hợp Quốc. Chúng tôi chọn đứng về phía Ukraine", ông nói.
Nga chưa phản hồi về phát biểu của Tổng thống Mỹ tại Đại hội đồng LHQ.
Kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra từ ngày 13 đến 27/9 tại trụ sở ở New York, Mỹ. Tuần lễ cấp cao diễn ra ngày 20-26/9 với sự tham gia của lãnh đạo các nước thành viên. Đây là kỳ họp đầu tiên diễn ra dưới hình thức trực tiếp từ sau đại dịch Covid-19 bùng phát.
Kỳ họp cũng diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo ra chia rẽ sâu sắc giữa các cường quốc, làm dấy lên lời kêu gọi Liên Hợp Quốc cần cải tổ để có thể thực hiện nhiệm vụ "duy trì an ninh và hòa bình thế giới".
Ngọc Ánh (Theo AFP/CNN)