Điện thoại không chỉ dùng để liên lạc. Ảnh. M.K. |
Tại cuộc họp "bất thường" giữa lãnh đạo Bộ Bưu chính viễn thông và 6 nhà khai thác di động chiều qua, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần có cơ chế bắt buộc để "trói" các thuê bao di động trả trước. Thời gian qua, lượng thuê bao này luôn chiếm tới gần 80% tổng số thuê bao trên toàn mạng lưới song chủ thuê bao lại không bị ràng buộc bởi bất kể các điều kiện gì. Hiện Bộ lấy ý kiến các doanh nghiệp về phương thức quản lý đối với loại hình dịch vụ này.
Một quan chức của Bộ Bưu chính Viễn thông tiết lộ, việc thắt chặt quản lý thuê bao trả trước ngoài đảm bảo an ninh sẽ góp phần tiết kiệm được kho tài nguyên số. Bởi hiện nay, các thuê bao khóa hai chiều, ''thuê bao ảo'' đang chiếm tỷ lệ khá cao. Hiệu suất sử dụng kho số trả trước bình quân mới chỉ chiếm 40-50%, trong khi dải số cho các mạng di động hiện nay không phải dồi dào, thậm chí còn có nguy cơ phải tăng thêm đầu số. Hơn nữa, việc quản lý đối với các thuê bao trả trước cũng đang trở thành xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới.
Theo ông, điện thoại ngày càng
phố biến đối với người sử dụng. Ngoài chức năng liên lạc, nó còn có khả năng dẫn đường, thanh toán các dịch vụ công cộng và liên quan đến nhiều vấn đề an ninh khác. Do vậy, việc quản lý các thuê bao điện thoại càng trở thành vấn đề cấp bách. Một số nước như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia đã thực hiện chính sách quản lý thuê bao di động một cách chặt chẽ hơn.Các doanh nghiệp cũng đồng tình, rằng đã đến lúc tìm giải pháp "trói chân" các thuê bao trả trước, đối tượng đang chiếm đến gần 80% khách hàng. Ông Trần Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VN (VNPT), cho rằng, quản lý thuê bao trả trước sẽ góp phần hữu hiệu trong việc củng cố an ninh, chống khủng bố, ngăn chặn việc gửi spam, quấy rối... và chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của đông đảo người sử dụng. "Vấn đề còn lại là Bộ và các doanh nghiệp đề xuất ý kiến xem cách thức quản lý thế nào cho hiệu quả", ông Hùng nói.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, dư luận cũng lên tiếng nhiều về nạn ăn cắp số đẹp, tranh chấp các thuê bao di động trả trước với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Theo thống kê của các doanh nghiệp, các loại spam tin nhắn phần lớn đều xuất phát từ các thuê bao trả trước, gây phiền toái không ít cho người tiêu dùng. Chẳng hạn như các tin quảng cáo dầu gội đầu, khuyến mãi xà phòng OMO, hay tin đồn thất thiệt nhắn tin tặng tiền vào tài khoản... Điều tệ hại hơn là những tin nhắn nguy hại này lại thường xuyên được gửi đến vào những giờ không ai muốn nhận: giờ nghỉ trưa, lúc nửa đêm...
Trong khi đó, các thuê bao trả trước thường hoạt động bất ổn định và không đem lại nguồn thu cao khiến các nhà cung cấp gặp khó khăn trong cân đối ngân sách. Hơn nữa, do không quản lý được loại thuê bao này nên các nhà cung cấp gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân loại khách hàng. Thậm chí, khi gặp trường hợp khách hàng phản ánh về một thuê bao nào đó thường quấy rối hoặc thực hiện các phi vụ cướp bóc, nhà cung cấp cũng khó tìm ra nguồn gốc chủ thuê bao.
Dù vậy, một số doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại, nếu áp dụng các chế tài để quản lý đối với thuê bao trả trước mà không có lộ trình cụ thể sẽ làm giảm tốc độ phát triển thuê bao của doanh nghiệp. Trong khi các nước trên thế giới phần lớn đã qua giai đoạn phát triển quá nóng, còn VN lại coi 3 năm 2005, 2006 và 2007 là năm bản lề của sự phát triển thị trường di động.
Nhiều chuyên gia viễn thông cho rằng, biện pháp quản lý thuê bao trả trước là tương đối khó. Bản thân Trung Quốc và một số nước láng giềng khi đưa ra chính sách này cũng đã gặp nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Bởi khách hàng sử dụng thuê bao trả trước phần lớn là những người thích tự do và không muốn bị ràng buộc bởi những thủ tục phức tạp và tốn kém.
Một điểm khó khăn nhất, theo các chuyên gia, là với những thuê bao hòa mạng mới sẽ không gặp vấn đề gì, còn những thuê bao đang hoạt động để đưa họ vào khuôn khổ sẽ không đơn giản chút nào. "Nói gì thì nói, các nước trên thế giới họ làm được thì các doanh nghiệp VN lẽ nào lại không", một chuyên gia nói.
Hồng Anh