Trong một buổi sáng nhận 30 cuộc gọi quấy rối từ số máy 01685311020, chị Minh nghĩ tới việc truy tìm thủ phạm, vì được biết các thuê bao trả trước giờ cũng đều phải đăng ký thông tin. Gọi điện tới tổng đài Viettel, câu trả lời chị nhận được là: Công ty không có quyền cung cấp thông tin cá nhân khách hàng, chị nên làm đơn khiếu nại.
Ngay cả khi có đơn khiếu nại, nhân viên tổng đài cũng khuyên chị chớ nên hy vọng nhiều, vì công ty không chắc dữ liệu mà khách hàng khai báo là đúng.
Trong khi đó, kẻ quấy rối hết nhắn tin "Em 70 thì anh 71. Đây chỉ muốn một đêm thôi", lại chuyển qua chiến dịch nháy máy bất kể sáng trưa chiều tối, mỗi cuộc cách nhau đều đặn 5 giây. Cuối cùng chị Minh phải xin: "Hãy để tôi yên".
Hơn 75.000 sim điện thoại của Viettel được bán trong ngày Sinh viên Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chị Bảo Chi - nhân viên một công ty truyền thông ở Hà Nội - còn bị thuê bao 01685081130 khủng bố hằng đêm với những lời lẽ rất khiếm nhã. "Tôi không hề biết số máy này, giọng nói của anh ta tôi cũng không quen. Vậy mà họ réo đúng tên tôi để chửi", chị Chị nói. Việc tra thông tin cũng thất bại, vì thủ phạm dùng thuê bao trả trước.
Có vẻ việc thực hiện quy chế quản lý thuê bao chỉ làm cho có lệ, chẳng giúp ích gì trong việc bảo vệ quyền lợi khách hàng, hạn chế nạn quấy rối, ngăn ngừa khủng bố qua điện thoại... như mục tiêu đề ra, theo nhận xét của chị Chi.
Sau hơn 2 tháng triển khai quy chế quản lý thuê bao trả trước có khoảng 1,5 triệu khách hàng của VinaPhone đến khai báo, Viettel có 2,5 triệu, con số của MobiFone vào khoảng 2 triệu.
Không có cơ sở nào để tin tưởng, cả ba ông lớn này chỉ dám hy vọng khoảng một nửa dữ liệu mà khách hàng khai báo là đúng.
Một quan chức của VinaPhone cho hay hệ thống nhận tin nhắn đã lọc được những thông tin như độ tuổi quá cao (trên 150 tuổi) và quá nhỏ (dưới 14 tuổi). "Còn những dữ liệu liên quan đến chứng minh thư, hộ khẩu thường trú thì quả thật chúng tôi không có cách nào xác minh được, trừ khi Bộ Công an cung cấp cho chúng tôi dữ liệu đối chiếu", ông nói.
Giám đốc MobiFone Lê Ngọc Minh băn khoăn: "Quy chế đưa ra là tốt nhưng lại không có công cụ quản lý đi kèm. Kết quả là khách hàng cứ đăng ký, cứ khai báo dịch vụ còn chúng tôi không có dữ liệu để kiểm tra độ xác thực ấy".
Theo một quan chức Viettel, cách thực hiện chủ trương đăng ký của nhà cung cấp này là: "Chúng tôi tin vào dữ liệu mà khách hàng khai báo. Còn nếu thuê bao nào cố tình cung cấp sai dữ liệu thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có sự cố nào xảy ra".
Theo ông, ngay từ khi bắt đầu viết đề án, các mạng di động đã chỉ ra đã chỉ ra những bất cập có thể xảy ra như dữ liệu khai báo không chính xác, và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất với Bộ Công an cung cấp mã số chứng minh nhân dân. Từ dữ liệu gốc này, các doanh nghiệp sẽ đối chiếu để sàng lọc thông tin. Tuy nhiên, sau nhiều lần họp bàn, khúc mắc của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Xuân Trụ - Vụ phó Vụ Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - nói những bất cập trên thuộc về trách nhiệm của nhà khai thác dịch vụ.
Ông Trụ cho hay theo quy định từ 1/1, các thuê bao di động đăng ký mới bắt buộc phải mang chứng minh thư đến điểm giao dịch đăng ký mới được sử dụng dịch vụ. Như vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có thể lấy được số liệu gốc nếu làm nghiêm ở khâu kiểm tra khách hàng ngay tại đại lý.
Đối với các thuê bao đang hoạt động khai báo thông tin qua SMS, bước đầu không hy vọng sẽ chuẩn xác 100%. Tuy nhiên, nếu thấy nghi ngờ, doanh nghiệp có thể tự điều tra hoặc cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền như Bộ Công an, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông... để có biện pháp xử lý.
Phan Linh Anh