Trong chưa đầy hai tháng, Omicron đã lây lan toàn cầu, khiến số ca nhiễm nCoV mới tăng đột biến. Tại Mỹ, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính biến chủng này hiện chiếm hơn 99,5% số ca nhiễm mới. Hồi giữa tháng, Mỹ ghi nhận tới 800.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, cao gấp ba lần so với bất kỳ thời điểm nào trong đại dịch.
Trước mối đe dọa mới, giới khoa học đã khẩn trương tiến hành nghiên cứu kể từ khi Omicron được phát hiện đầu tại miền nam châu Phi hồi tháng 11/2021. Mặc dù còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, một số đặc điểm nổi bật của Omicron đã được rút ra.
Mức độ lây nhiễm và ủ bệnh
Giới khoa học đánh giá Omicron có tốc độ di chuyển rất nhanh chóng. Nó phát tán dễ dàng trong các cộng đồng, quá trình virus nhân lên trong cơ thể người nhiễm cũng rất chóng vánh.
Giai đoạn ủ bệnh, khoảng thời gian từ khi tiếp xúc lần đầu với virus đến lúc xuất hiện triệu chứng, cũng được rút ngắn với Omicron.
Nghiên cứu cho thấy phiên bản gốc của nCoV và những biến chủng trước đây có thời gian ủ bệnh trung bình là 5 ngày. Biến chủng Delta dường như phát triển nhanh hơn, với thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 ngày. Theo một nghiên cứu gần đây của CDC, khoảng thời gian này đối với biến chủng Omicron thậm chí ngắn hơn, chỉ còn khoảng ba ngày.
Tải lượng virus
Tải lượng virus là lượng virus tích tụ trong cơ thể người nhiễm. Nhìn chung, một người được cho là dễ lây truyền virus nhất cho người khác nếu mang tải lượng virus cao.
Trong nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y khoa New England tháng trước về biến chủng Alpha và Delta, các nhà khoa học ước tính trung bình tải lượng virus có xu hướng đạt đỉnh vào khoảng ba ngày sau khi một người bị nhiễm và hoàn toàn biến mất khoảng 6 ngày sau đó.
Các nghiên cứu hiện nay chưa làm rõ được tải lượng virus của Omicron có tương tự Alpha và Delta hay không. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu sơ bộ tại Đại học Harvard của Mỹ, các nhà khoa học nhận thấy các ca nhiễm Omicron "sạch virus" nhanh hơn những ca nhiễm Delta khoảng một ngày, mức đỉnh của tải lượng virus cũng thấp hơn một chút.
Tuy nhiên, khác biệt này có thể do khi Omicron xuất hiện, tỷ lệ miễn dịch sẵn có trong cộng đồng đã cao hơn, nhờ chiến dịch tiêm chủng Covid-19 toàn cầu hoặc nhiều người từng nhiễm.
Theo những dữ liệu khác, cách thức hoạt động của Omicron có thể không giống các biến chủng trước đó. Những nghiên cứu trên động vật và trong phòng thí nghiệm cho thấy khả năng lan vào phổi của Omicron có thể không bằng Delta, nhưng nó được cho là nhân lên nhanh hơn ở đường hô hấp trên.
Omicron còn có thể mang những đặc điểm độc lập khác. Một nghiên cứu nhỏ tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi ở Nam Phi cho thấy kháng thể sản sinh sau khi nhiễm Omicron dường như giúp chống lại Delta, nhưng kháng thể sau khi nhiễm Delta lại kém hiệu quả trước Omicron. Nếu phát hiện này chính xác, Delta có thể sớm gặp khó khăn khi tìm kiếm vật chủ, còn Omicron có khả năng thay thế Delta, thay vì cùng tồn tại với nó.
Mức độ nghiêm trọng
Omicron dường như gây bệnh ít nặng hơn so với Delta. Theo nghiên cứu gần đây tại Đại học California ở Berkeley, những người nhiễm Omicron ít có khả năng phải nhập viện, điều trị trong phòng chăm sóc tích cực (ICU) hoặc phải thở máy hơn so với các ca nhiễm Delta.
Một trong các lý do được đưa ra là Omicron ít có khả năng gây tổn thương phổi hơn so với những biến chủng trước đó, bởi chúng chủ yếu sinh sôi trong đường hô hấp trên. Bằng chứng cho mức độ nghiêm trọng giảm bớt là những người chưa tiêm chủng dường như ít có khả năng phải nhập viện hơn nếu nhiễm Omicron so với Delta.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể xuất phát từ thực tế là số người đã tiêm chủng nhiễm Omicron cao hơn nhiều so với Delta. Mặc dù Omicron có thể phần nào né tránh kháng thể sản sinh sau khi tiêm chủng, dẫn đến ngày càng nhiều ca nhiễm đột phá, những người đã tiêm vẫn được bảo vệ trước nguy cơ trở nặng. Theo CDC, mũi tăng cường của vaccine mRNA đạt hiệu quả 90% chống nhập viện nếu nhiễm Omicron.
Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo một số bệnh nhân, đặc biệt là những người chưa tiêm chủng hoặc có vấn đề với hệ miễn dịch, vẫn có thể bị bệnh nặng nếu nhiễm Omicron. Hiện cũng chưa rõ các ca nhiễm đột phá Omicron có gây ra hiện tượng di chứng hậu Covid-19 kéo dài hay không.
Xét nghiệm
Do Omicron nhân lên quá nhanh chóng và giai đoạn ủ bệnh ngắn hơn, khoảng thời gian từ khi nhiễm virus đến lúc lây truyền cũng bị thu hẹp. Trước đây, công chúng được khuyến cáo xét nghiệm nhanh 5-7 ngày sau thời điểm nghi tiếp xúc với virus. Giờ đây, nhiều chuyên gia cho rằng xét nghiệm nhanh nên được tiến hành sau 2-4 ngày.
Bên cạnh đó, những người phải xét nghiệm để giảm thiểu nguy cơ lây truyền virus cho người khác, như chuẩn bị tham gia một sự kiện, nên xét nghiệm càng gần thời điểm diễn ra sự kiện càng tốt, giới chuyên gia khuyến cáo.
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi rằng liệu xét nghiệm nhanh kháng nguyên có kém nhạy với Omicron hơn những biến chủng khác hay không. Phương pháp xét nghiệm PCR hiệu quả hơn, nhưng mất nhiều thời gian để trả kết quả.
Quy định cách ly
CDC trước đây khuyến cáo các ca nhiễm cách ly 10 ngày, nhưng hướng dẫn gần đây cho biết người nhiễm Omicron có thể kết thúc cách ly sau 5 ngày nếu không có triệu chứng, hoặc triệu chứng đang thuyên giảm và không bị sốt.
Sau khi kết thúc 5 ngày cách ly, họ được khuyến cáo làm xét nghiệm nhanh nhưng không bắt buộc. Những người này cũng được khuyên đeo khẩu trang thêm 5 ngày khi ở gần những người khác.
CDC giải thích rằng thay đổi trong quy định cách ly xuất phát từ dữ liệu cho thấy virus rất có khả năng lây truyền trong 1-2 ngày trước khi triệu chứng xuất hiện và 2-3 ngày sau đó. Tuy nhiên, giới khoa học lưu ý một số người có thể làm lây lan virus trong thời gian dài hơn. Một số người còn chỉ trích CDC vì không khuyến cáo người dân phải có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với virus trước khi kết thúc cách ly.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)