Khi chính phủ Anh gấp rút triển khai chương trình tiêm vaccine tăng cường trên toàn quốc, khả năng miễn dịch chống Covid-19 tăng lên. Tuy nhiên, nhiều người ngạc nhiên khi giới chuyên gia tỏ ra quá lo ngại trước Omicron.
Biến chủng có thể lẩn tránh một phần miễn dịch, song vaccine vẫn bảo vệ hiệu quả người dùng khỏi triệu chứng nặng và tử vong, đặc biệt sau liều thứ ba. Mức miễn dịch cao đồng nghĩa tỷ lệ nhập viện thấp. Điều này từng diễn ra tại Anh trước đó. Đầu năm 2021, khi Alpha chiếm ưu thế, khoảng 22% ca nhiễm từ 65 tuổi trở lên phải nhập viện. Con số giảm sâu xuống còn 6% sau khi quốc gia triển khai tốt vaccine. Thống kê cho thấy hơn 89% dân số từ 12 tuổi trở lên tại Anh đã tiêm một mũi vaccine trong khi tỷ lệ tiêm đủ liều là 81%. Hơn 48% dân số nước này đã tiêm mũi tăng cường.
Nói cách khác, ngay cả khi độc lực của Omicron thấp hơn các biến chủng trước đó, hầu hết người bệnh chỉ gặp triệu chứng nhẹ nhờ đã tiêm chủng, nhiễm nCoV trước đó hoặc cả hai.
Tuy nhiên, đây là vấn đề từ góc độ cá nhân. Số ca nhiễm cao tại Anh vẫn là tín hiệu đáng báo động, xét trên phương diện cộng đồng.
Tại hầu hết các khu vực, tỷ lệ nhiễm Omicron tăng gấp đôi sau mỗi hai ngày. Tiến sĩ Susan Hopkins, cố vấn y tế của Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA), nhận định số ca mắc mới nước này có thể đạt một triệu một ngày vào cuối tháng 12.
Hiện chưa rõ tỷ lệ nhập viện do Omicron, song vaccine không hiệu quả 100%. Điều này có nghĩa số ca chuyển nặng của Anh sẽ tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn nhất quyết từ chối tiêm chủng sau hơn một năm triển khai. Nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ nhập viện nhỏ trong số ca nhiễm lớn vẫn đủ làm hệ thống y tế chịu áp lực.
Quan điểm này được tiến sĩ Hopkins đưa ra vào tuần trước, sau khi UKHSA công bố dữ liệu cho thấy hiệu quả chống nhiễm bệnh có triệu chứng của vaccine trước Omicron thấp hơn nhiều so với Delta.
"Nếu có nhiều F0 cùng lúc, chẳng hạn tỷ lệ gấp đôi so với hiện tại, nỗi lo lớn nhất của chúng tôi là người miễn dịch kém, người chưa tiêm liều vaccine tăng cường hoặc hoàn toàn chưa tiêm chủng. Nên nhớ rằng vẫn còn bộ phận không nhỏ - 5 triệu người Anh - chưa tiêm liều vaccine nào", bà Hopkins nói.
Số ca nhập viện tăng sẽ là vấn đề lớn với Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Nhưng đây không phải mối lo ngại duy nhất. Theo giáo sư Chris Whitty, cựu trưởng ban cố vấn khoa học Chính phủ Anh, bản thân các nhân viên y tế của NHS cũng sẽ nhiễm bệnh và phải cách ly.
"Trong một khoảng thời gian, chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng tăng cầu và giảm cung. Vì thế nó thực sự đáng lo ngại", ông Whitty nói.
Như vậy, khi số ca nhiễm ở Anh đang đạt kỷ lục mỗi ngày, theo các chuyên gia, câu hỏi đặt ra không phải liệu số ca nhập viện có tăng hay không, mà là NHS có thể chống chọi được bao lâu.
Bộ trưởng Y tế Sajid Javid ngày 19/12 đã chỉ trích những người không tiêm chủng vì họ "chiếm giường bệnh" của những ca F0 thực sự có nhu cầu. Ông cho rằng 5 triệu người này đã tạo thêm áp lực lên hệ thống y tế.
"Họ phải nghĩ đến những thiệt hại mà mình gây ra cho xã hội. Họ sử dụng giường điều trị mà đáng ra dành cho người nào đó có vấn đề tim mạch, người đang chờ phẫu thuật. Nhưng thay vì bảo vệ bản thân và cộng đồng, họ chọn cách không tiêm phòng", ông Javid nói thêm.
Khoảng 9 trên 10 người cần điều trị nhiều nhất tại bệnh viện chưa được tiêm chủng. Nhận xét của Javid đưa ra sau khi giáo sư Stephen Powis, Giám đốc y tế NHS, cho biết dịch vụ đang trong trạng thái thời chiến.
NHS đề ra kế hoạch điều trị tại nhà 15% số bệnh nhân Covid-19, theo dõi mức oxy từ xa. Chiến lược cho phép chăm sóc tận tình các F0 tại nhà tương tự trong bệnh viện. "Điều này tốt hơn đối với bệnh nhân, cho gia đình họ và cho cả NHS, vì nó hạn chế virus lây lan khi ca nhiễm tăng theo cấp số nhân", ông Powis nói.
Thục Linh (Theo Guardian)