Từ lâu, các nhà khoa học lường trước nguy cơ nCoV đột biến, bởi bản chất của virus là thay đổi liên tục để thích nghi với môi trường. Biến chủng mới lây lan nhanh chóng ở châu Phi, tràn sang nhiều quốc gia như lời nhắc nhở đại dịch chưa kết thúc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhanh chóng xếp nó vào nhóm ‘Biến chủng đáng lo ngại' (VOC).
Theo các chuyên gia, Omicron có hai tác động chính đến tương lai của Covid-19. Thứ nhất, cộng đồng cần thích nghi với sự thật ‘các biến chủng sẽ liên tục xuất hiện' và duy trì các biện pháp phòng tránh cơ bản.
"Chúng tôi hiểu rằng mọi người lo ngại. Tin tốt là chúng ta có hệ thống giám sát khắp thế giới, đã phát hiện biến chủng rất nhanh. Biến chủng được tìm ra cách đây vài tuần, các nhà khoa học đang chia sẻ thông tin, nghiên cứu để hành động", Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, cho biết ngày 26/11.
Theo bà, điều quan trọng mỗi cá nhân nên thực hiện là giảm mức độ tiếp xúc cộng đồng. Người dân cần duy trì các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như giữ khoảng cách an toàn với người xung quanh, đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập đông đúc, tránh không gian kín và đặc biệt là tiêm phòng khi đủ điều kiện.
Khi các nhà khoa học công bố thêm thông tin về Omicron, hướng dẫn phòng chống Covid-19 hiện tại có thể thay đổi. Chẳng hạn, nhiều quốc gia siết quy định đeo khẩu trang, bắt buộc tiêm chủng hay mở rộng liều tăng cường.
Ngay cả khi đại dịch gần kết thúc, nCoV trở thành mầm bệnh đặc hữu (xuất hiện liên tục nhưng không gây ra nhiều ca nhập viện và tử vong), các biến chủng sẽ tiếp tục xuất hiện.
"Mối đe dọa từ Covid-19 sẽ không bao giờ kết thúc, dù virus chuyển thành mầm bệnh lâu dài. Khi virus suy yếu, không còn gây quá tải bệnh viện nhờ vào miễn dịch cộng đồng và phương pháp điều trị, cơ quan y tế sẽ nới lỏng các khuyến nghị phòng ngừa. Dù vậy, một số nước có thể chủ động duy trì chúng trong bối cảnh rủi ro cao", Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế của Đại học Johns Hopkins, nhận định.
Thứ hai, các hãng dược có khả năng phải điều chỉnh liều lượng vaccine hoặc sản xuất vaccine thế hệ mới. Từ ngày 26/11, nhiều hãng dược chủ động nghiên cứu biến chủng, xem xét tác động của nó lên vaccine, cho biết việc phát triển vaccine thử nghiệm có thể mất vài tuần.
"Chúng tôi ý thức được mối quan tâm của các chuyên gia, ngay lập tức tìm hiểu về Omicron. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm dữ liệu từ phòng thí nghiệm trong hai tuần nữa", BioNTech, đối tác của Pfizer, tuyên bố hôm 26/11.
Moderna cũng cho biết hãng đang "nhanh chóng làm việc" để kiểm tra khả năng ngăn ngừa biến chủng của vaccine, có thể công bố dữ liệu trong vài tuần tới.
Nếu vaccine hiện có không đủ sức ngăn ngừa biến chủng, giải pháp khả thi là tiêm liều lượng lớn hơn hoặc liều tăng cường. Moderna đang nghiên cứu hai loại vaccine tăng cường, xem liệu chúng có khả năng bảo vệ vượt trội trước Omicron hay không. Cả hai ứng viên đều chứa một số đột biến trong biến chủng mới.
"Kể từ đầu năm 2021, Moderna đã mở rộng chiến lược toàn cầu, dự đoán biến chủng đáng lo ngại có khả năng xuất hiện", đại diện hãng cho biết. Chiến lược này gồm ba mức độ phản ứng, giải quyết lo ngại nếu vaccine sẵn có không thể chống biến chủng.
Johnson & Johnson cũng theo dõi chặt chẽ Omicron và các biến chủng khác, kiểm tra độ hiệu quả của vaccine với protein S của virus.
AstraZeneca tìm hiểu tác động của biến chủng đối với chiến dịch tiêm phòng, đồng thời thử nghiệm liệu pháp hỗn hợp kháng thể đơn dòng chống Omicron.
"AstraZeneca đang nghiên cứu ở những khu vực biến chủng xuất hiện, cụ thể là Botswana và Eswatini, điều này cho phép chúng tôi thu thập dữ liệu thực tế về biến chủng", đại diện hãng cho biết.
Kể từ khi Bộ Y tế Nam Phi thông báo về biến chủng, nhiều quốc gia như Mỹ, Anh đã cấm nhập cảnh từ khu vực này. Theo chính quyền Tổng thống Joe Biden, hạn chế đi lại giúp chính phủ liên bang có thêm thời gian điều tra về Omicron.
WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường nỗ lực giám sát, giải trình tự để hiểu rõ hơn về các biến chủng nCoV.
Các chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của biến chủng Omicron như một phép thử đối với dịch Covid-19 trong giai đoạn nhiều nước trở lại cuộc sống bình thường mới.
Bộ Y tế tối 28/11 cho biết giám sát dịch tễ của nCoV tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng Omicron, song đề xuất Chính phủ dừng các chuyến bay đến, hay về từ phía Nam châu Phi.
Bộ cũng cho biết Việt Nam đang chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới. Hệ thống giám sát dịch đã tăng cường nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur được yêu cầu thực hiện giải trình tự gene trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là ca có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Thục Linh (Theo CNN)