Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/11 xếp biến chủng Omicron mới xuất hiện ở Nam Phi vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại". WHO cho biết biến chủng có nguy cơ lây lan nhanh chóng, gây bệnh nặng hoặc làm giảm hiệu quả vaccine và các phương pháp điều trị.
Tiến sĩ Tulio de Oliveira, Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó Dịch tễ ở Nam Phi, đánh giá chủng Omicron có "lợi thế cạnh tranh" hơn Delta, do trong protein S mà virus dùng để bám dính vào tế bào có 30 đột biến.
Theodora Hatziioannou, chuyên gia virus tại Đại học Rockefeller ở New York, cho rằng các đột biến của Omicron phát triển lần đầu bên trong người suy giảm miễn dịch. Thay vì bị loại bỏ trong vài ngày, virus tồn tại ở cơ thể bệnh nhân hàng tháng, học cách thích nghi và trốn tránh kháng thể. Một số phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng cũng không hiệu quả với Omicron.
Các nhà khoa học đồng tình cần theo dõi khẩn cấp biến chủng, song cho rằng cộng đồng không nên quá hoang mang. William Hanage, chuyên gia dịch tễ tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, cho biết: "Các nhà dịch tễ mong mọi người hết sức bình tĩnh. Điều này có thể tồi tệ, nhưng chúng ta chưa đủ kiến thức để kết luận về tác động của nó trong tương lai".
Ông và nhiều chuyên gia nhận định vaccine vẫn bảo vệ tốt người dùng khỏi biến chủng Omicron, song cần nghiên cứu sâu hơn để xác định độ hiệu quả của chúng giảm bao nhiêu.
Tiến sĩ Hatziioannou cũng nhận định vaccine không chỉ kích thích kháng thể, còn sản sinh ra các tế bào miễn dịch đặc trị, tấn công trực tiếp tế bào nhiễm bệnh. Các đột biến ở protein virus không làm giảm phản ứng của những tế bào này.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đang khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm chủng tăng cường. Liều vaccine thứ ba có thể mở rộng phạm vi kháng thể, cho phép người dùng chiến đấu lại các biến chủng mới như Omicron.
Từ ngày 26/11, nhiều hãng dược chủ động nghiên cứu biến chủng mới, xem xét tác động của nó lên vaccine, cho biết việc phát triển lô hàng thử nghiệm mới có thể mất vài tuần. Moderna đang thử nghiệm hiệu quả của liều vaccine tăng cường với biến chủng Omicron. Pfizer tuyên bố nếu biến chủng có khả năng trốn thoát miễn dịch, hãng sẽ phát triển vaccine thế hệ tiếp theo trong khoảng 100 ngày.
Động thái này khác với trước đó, khi thế giới đối mặt với chủng Delta. Với Delta, vaccine hiện vẫn hiệu quả, ngăn ngừa được các ca nhiễm nCoV nghiêm trọng và giảm nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, David Kennedy, chuyên gia nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Penn State, cho rằng điều tương tự cũng có thể xảy ra với Omicron. "Có khả năng chúng ta không cần cập nhật phiên bản vaccine mới", ông nói.
Trong lịch sử y khoa, virus tiến hóa hiếm khi ảnh hưởng quá nhiều tới các chiến dịch tiêm phòng. Với Omicron, các nhà khoa học cần thu thập dữ liệu về số ca nhiễm nCoV nghiêm trọng ở người đã chủng ngừa. Đây là yếu tố quyết định liệu có nên điều chỉnh vaccine hay không.
Deepti Gurdasani, chuyên gia dịch tễ lâm sàng tại Đại học Queen Mary, London, nhận định việc chuẩn bị vaccine thế hệ hai là cần thiết. Nhưng nỗ lực đó sẽ hiệu quả hơn nếu các nước chủ động ngăn chặn sự lây truyền của virus bằng nhiều hình thức khác nhau.
"Có thể Pfizer sản xuất được loại vaccine trong ba hoặc 4 tháng nữa. Nhưng vào thời điểm đó, biến chủng mới lại xuất hiện và chiếm ưu thế toàn cầu. Vì vậy, việc phát triển vaccine cần đi đôi với nỗ lực ngăn chặn virus lây lan. Đó là cách duy nhất để chúng ta thích ứng với dịch bệnh một cách hiệu quả nhất", ông nói.
Thục Linh (Theo NY Times, NBC News)