Các nhà lãnh đạo của Tokyo đã hứa hẹn "vinh quang và giàu có" khi thủ đô của Nhật Bản giành được quyền đăng cai Thế vận hội mùa hè 2020. Việc làm và nền kinh tế sẽ phát triển. Tầm vóc quốc tế của Nhật Bản sẽ tăng lên.
Nhưng khi Thế vận hội bế mạc vào Chủ nhật này, thực tại đã khác xa so với hình dung của chính quyền khi họ giành quyền đăng cai vào năm 2013. Covid-19 đã buộc ban tổ chức đặt sự kiện trong một phạm vi khép kín, tách biệt với hoạt động kinh tế và tương tác trực tiếp với khán giả bên ngoài.
Tokyo trở thành một địa điểm tổ chức đơn thuần, đòi hỏi phải tốn kém nhiều nhưng nhận lại được ít. Ngay cả khi chi hàng tỷ USD cho Olympic, thành phố này vẫn trải nghiệm Thế vận hội giống như bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới. Đó là một chương trình thể thao trên truyền hình.
Makoto Inoue, 43 tuổi, đã vay rất nhiều tiền để mở một nhà hàng Mexico vào năm 2018, bên cạnh sân vận động Olympic mới của Tokyo. Ông hy vọng rằng địa điểm này sẽ thu hút khách là những khán giả ghé qua và duy trì được lượng khách du lịch đông đúc trong nhiều năm tới.
Vào buổi chiều trước khi Thế vận hội khai mạc, lần hiếm hoi khách hàng đã kéo vào cửa hàng nhỏ ở tầng hầm của ông. Nhưng đến 8 giờ tối, những hạn chế chống dịch buộc ông phải đóng cửa ngay khi lễ khai mạc diễn ra.
Thay vì thúc đẩy kinh tế, Thế vận hội mang lại cảm giác bất ổn ngày càng tăng. Bị đè nặng bởi các vụ bê bối và chi phí vượt quá hàng tỷ USD, Thế vận hội đã đi ngược lại mong muốn của hầu hết người dân Nhật Bản, những người coi chúng là rủi ro không thể chấp nhận được đối với sức khỏe cộng đồng. Sự kiên quyết của ban tổ chức trong việc tổ chức đã khiến các nhà lãnh đạo thêm mất điểm trong mắt người dân.
"Niềm tin quốc gia đang ở trong tình trạng mong manh", Nobuko Kobayashi, chuyên gia của Ernst & Young chi nhánh Nhật Bản, bình luận. Theo bà, sự hỗn loạn xung quanh Thế vận hội đã củng cố "sự khao khát đối với một hệ thống mới và một cách thức hoạt động mới".
Sự ủng hộ của dân chúng với đảng của thủ tướng cầm quyền Yoshihide Suga, ngày càng giảm. Tương lai của ông Suga là một câu hỏi mở, nhất là khi sắp diễn ra cuộc bầu cử quốc hội, dự kiến tổ chức muộn nhất là vào cuối tháng 10.
Các chỉ trích về Thế vận hội đã dịu đi phần nào nhờ thành tích huy chương tốt nhất từ trước đến nay của Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo nhờ đó mà đề cao những lợi ích Thế vận hội mang lại, về cách các vận động viên khi đối mặt với nghịch cảnh sẽ là tấm gương cho một thế giới đang vật lộn với đại dịch.
Nhưng Covid-19 khiến Thế vận hội phải hoãn một năm, kéo theo chi phí tăng cao, thiệt hại kinh tế và rối loạn chính trị là không thể khỏa lấp. Chỉ riêng việc vắng mặt khán giả có thể làm giảm lợi ích kinh tế 1,3 tỷ USD, theo Viện nghiên cứu Nomura, một tổ chức tư vấn tại Tokyo.
Khi giành được quyền đăng cai, giới chức hứa hẹn sẽ tổ chức một sự kiện thân thiện với môi trường, giá cả hợp lý, bao gồm sự đa dạng và bền vững, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế kéo dài trong nhiều năm.
Nhưng khi Tokyo bắt tay vào thực tế, chi phí chính thức đã tăng vọt lên 14,9 tỷ USD, từ mức 7,3 tỷ USD. Theo một báo cáo của chính phủ, thời gian trì hoãn một năm đã khiến chi phí tăng cao hơn 20%. Nhưng những con số đó có lẽ vẫn không thể hiện đúng chi phí thực sự. Một cuộc kiểm toán của chính phủ được tiến hành trước đại dịch đã đưa ra tổng chi phí thực là 27 tỷ USD.
Các dự báo kinh tế cũng bắt đầu có vẻ lung lay. Các ước tính chính thức cho thấy sự kiện này và các tác động di sản của nó sẽ tạo ra gần 2 triệu việc làm và bổ sung hơn 128 tỷ USD cho nền kinh tế từ đầu tư, du lịch và tăng tiêu dùng.
Nhưng "những con số đó thực sự lớn - dù có hay không có Covid-19, điều đó sẽ không xảy ra", Sayuri Shirai, Giáo sư kinh tế tại Đại học Keio ở Tokyo và là cựu thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng trung ương Nhật Bản, bình luận. Theo ông, Thế vận hội vốn có lịch sử được quảng cáo quá mức về hiệu quả kinh tế.
Khi đại dịch xảy ra, nhiều khoản đầu tư cho Thế vận hội đã chuyển từ lời sang lỗ. Tokyo 2020 thu về kỷ lục hơn 3,6 tỷ USD tiền tài trợ của doanh nghiệp trong nước. Nhưng nhiều đối tác sau đó đã quyết định tránh xa sự kiện.
Vài ngày trước lễ khai mạc, Toyota, một trong những công ty lớn mạnh nhất của Nhật Bản, đã thông báo rằng họ sẽ không phát sóng quảng cáo Olympic ở thị trường nội địa và chủ tịch tập đoàn sẽ không tham dự sự kiện này. Các nhà tài trợ khác lần lượt làm theo.
Các khoản lỗ này có thể là một con số không đáng kể so với quy mô kinh tế đồ sộ của Nhật Bản. Nhưng các doanh nghiệp nhỏ dọc theo các con đường và con hẻm quanh co của Tokyo, thì có thể không bao giờ phục hồi.
Toshiko Ishii, 64 tuổi, người điều hành một khách sạn truyền thống ở phường Taito của thành phố, đã chi hơn 180.000 USD để chuyển đổi tầng một của tòa nhà thành quán ăn, với dự đoán lượng khách du lịch đổ về.
Phen đầu tư này vốn đã có chút rủi ro. Và khi đại dịch ập đến, bà Ishii càng lo lắng nguy cơ phải đóng cửa. Ngay cả lúc Thế vận hội diễn ra, bà vẫn không có khách trong nhiều tuần. "Chúng tôi không biết khi nào điều này sẽ kết thúc và tôi có rất nhiều nghi ngờ về việc có thể duy trì hoạt động kinh doanh trong bao lâu", bà nói.
Thực tế, Thế vận hội lần này chắc chắn đã không đạt được kỳ vọng lớn mà các nhà lãnh đạo Nhật Bản đặt ra. Họ từng coi Tokyo 2020 là cơ hội để cho thế giới thấy một Nhật Bản đã rũ bỏ hàng thập kỷ kinh tế trì trệ và đứng dậy sau sự tàn phá của trận động đất và sóng thần năm 2011, gây ra thảm họa hạt nhân Fukushima.
Hứng thú với hoài niệm về Thế vận hội năm 1964, khi Nhật Bản khiến cả thế giới phải thán phục bằng công nghệ tiên tiến và sức mạnh kinh tế của mình, cựu thủ tướng Shinzo Abe, xem Thế vận hội 2020 là một chiến dịch quảng bá cho một đất nước tuyệt vời, tự tin sánh ngang với sự trỗi dậy Trung Quốc.
"Ngày càng nhiều người Nhật thế hệ già, những người cao tuổi, muốn ghi nhớ, muốn lặp lại trải nghiệm thành công đó một lần nữa ở Nhật Bản thế kỷ 21", Shunya Yoshimi, Giáo sư xã hội học tại Đại học Tokyo, cho biết.
Nhưng thay vào đó, đại dịch mang lại cảm giác sợ hãi và bất ổn, bởi các quyết định của các nhà lãnh đạo Nhật Bản. Các quan chức hứa hẹn về một Thế vận hội an toàn nhưng hành động được cho là chậm chạp. Nhà tổ chức đã bàn đi tính lại xem có cho phép khán giả hay không, và quyết định chỉ được chốt khi số ca lây nhiễm đã rõ ràng cao hơn.
Ngay cả khi họ thảo luận về việc cho phép mọi người nhập cảnh, thì dường như không có chút cấp bách ban đầu nào về việc tiêm chủng cho người dân. Tỷ lệ tiêm vaccine hầu như không đạt 20% khi Thế vận hội bắt đầu, thua xa mức ở các quốc gia giàu có khác. Các nhà tổ chức khẳng định Thế vận hội không chịu trách nhiệm về việc Tokyo đang gia tăng số ca nhiễm, vì sự kiện được cách biệt kỹ càng.
"Mọi người đang tận hưởng Thế vận hội nhưng cảm thấy rằng chính phủ đã không làm tốt công việc lập kế hoạch", Takuji Okubo, Nhà kinh tế trưởng tại Japan Macro Advisors, đánh giá.
Sự không chắc chắn về chính trị và kinh tế do Thế vận hội tạo ra sẽ không dễ giải quyết, chừng nào đại dịch vẫn hoành hành. Ông Inoue, chủ nhà hàng Mexico, cho biết ông sẽ vẫn mở trong ngày bế mạc. "Chúng tôi chưa làm được gì ngoài việc cố gắng tồn tại", ông nói.
Phiên An (theo NYT)