Trong giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, để đối phó với một cuộc tấn công hạt nhân có thể xảy bất cứ lúc nào, các kỹ sư quân sự Liên Xô đã phát triển một mẫu xe tăng hạng có tên Object 279 có thể chịu được sự công phá tương đương quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima của Nhật Bản, theo Military.
Chiếc xe tăng này có thể được coi là biểu tượng cho nguy cơ về một cuộc chiến hạt nhân không bao giờ xảy ra và là mẫu xe tăng siêu nặng cuối cùng của Liên Xô, sau khi nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev ra lệnh cấm sản xuất mọi loại xe thiết giáp nặng trên 37 tấn.
Object 279 được nhà mày quân khí Kirov bắt đầu chế tạo từ năm 1957 theo yêu cầu của quân đội Liên Xô nhằm thay thế loại xe tăng T-10 có sức chiến đấu và khả năng phòng ngự trước vũ khí chống tăng địch không cao.
Mục đích ban đầu của Object 279 là đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ trước mọi cuộc tấn công xâm nhập và tác chiến ở các khu vực khó di chuyển.
Object 279 có tầm hoạt động khoảng 300 km với tốc độ di chuyển tối đa là 55 km/h và kíp chiến đấu 4 người gồm chỉ huy, lái xe, xạ thủ và pháo thủ nạp đạn.
Về thiết kế, thân của Object 279 được lắp ráp từ 4 phần đúc khác nhau và được bọc một lớp giáp bằng vật liệu thép tổng hợp với phần trước dày tới 192 mm và hai bên hông là 182 mm, còn lớp giáp phía trước tháp pháo dày tới 305 mm.
Với lớp giáp dày như vậy, các chuyên gia quân sự Liên Xô đánh giá Object 279 có thể chịu được mọi loại đạn rocket và tên lửa vào thời điểm ấy, đồng thời hoàn toàn có khả năng sống sót trước một cuộc tấn công bằng bom hạt nhân.
Object 279 được thiết kế nhằm giảm thiểu tác động của sóng xung kích từ các loại bom hạt nhân. Hình dạng elip đặc biệt giúp nó khó có khả năng bị lật khi chịu tác động bởi lực công phá rất lớn.
Nhưng thiết kế đặc biệt nhất của Object 279 là khung gầm gồm 4 dãy bánh xích được gắn trên hai dầm rỗng theo chiều dọc. Hai dầm này đồng thời có chức năng là thùng chứa nhiên liệu cho xe.
Đặc điểm này giúp Object 279 giảm được đáng kể áp lực xuống mặt đất (áp lực trung bình chỉ khoảng 0,6 kg/cm2) giúp nó chạy tốt trên lớp tuyết dày và thậm chí cả mặt đầm lầy như một xe tăng hạng nhẹ, nhưng lại mang hỏa lực mạnh của loại xe tăng hạng siêu nặng.
Động cơ của Object 279 được chia thành 2 phiên bản: động cơ diesel DG-1000 950 mã lực với tốc độ quay 2.500 vòng/phút, động cơ 2DG-8M 1.000 mã lực với tốc độ quay 2.400 vòng/phút
Object 279 được trang bị một pháo chính M-65 cỡ nòng 130 mm và súng máy hạng nặng cỡ nòng 14, 5 mm, tốc độ bắn khi tác chiến 5-7 phát/phút. Object 279 còn được trang bị hệ thống nạp đạn bán tự động và hệ thống điều khiểu hỏa lực, thiết bị trinh sát chiến trường có khả năng tác chiến vào ban đêm.
Nhược điểm của Object 279 là có trọng lượng khá nặng (70 tấn, hơn tăng T-10 khoảng 10 tấn) nên độ cơ động trong chiến đấu bị hạn chế đáng kể. Bên cạnh đó, việc sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn bởi hệ thống động cơ được thiết kế nằm sâu trong lớp giáp dày.
Chính vì thế, chỉ có hai mẫu thử nghiệm tăng Object 279 được quân đội Liên Xô chế tạo vào năm 1959. Sau đó, với sự thoái trào của các mẫu tăng siêu nặng cồng kềnh, kém cơ động, Object 279 bị dừng sản xuất hàng loạt.
Xem thêm: Sturmtiger, khẩu pháo 'lạy ông tôi ở bụi này' của phát xít Đức.
Nguyễn Hoàng