Sáng 25/5, Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc gặp gỡ và trả lời các câu hỏi của thành viên tổ chức YSEALI (Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á) tại TP HCM. Ông đã chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình, từ một cậu bé nổi loạn trở thành tổng thống Mỹ.
"Các bạn đừng quá lo lắng suy nghĩ mình sẽ trở thành người như thế nào. Ngay cả người thành công nhất thế giới cũng không nghĩ mình sẽ trở thành người giàu có", ông nói và khuyên các bạn trẻ "hãy quyết định xem bạn quan tâm gì nhất và dành năng lượng cho nó".
Đây không phải là lần đầu tiên ông Obama có bài phát biểu truyền cảm hứng cho giới trẻ khi công du nước ngoài. Tổng thống Obama hồi tháng 4 khuyên giới trẻ Anh "đừng bi quan và hoài nghi" khi phát biểu trước 550 thanh niên ở London.
"Các bạn là một thế hệ coi hội nhập và toàn cầu hóa không phải là mối đe dọa, mà là cơ hội", ông Obama nói.
Ông cũng kêu gọi giới trẻ châu Âu đóng góp nhiều hơn cho thế giới. "Chính các bạn, những người trẻ của châu Âu, giúp quyết định dòng chảy lịch sử sẽ trôi về đâu. Đừng nghĩ rằng sự tự do, thịnh vượng, hay trí tưởng tượng của các bạn chỉ giới hạn trong cộng đồng, dân tộc hay nước bạn. Bạn có thể đóng vai trò lớn hơn. Bạn có thể giúp chúng ta lựa chọn một lịch sử tốt hơn", ông nói.
Trong chuyến thăm lịch sử đến Cuba hồi tháng ba, ông Obama bắt đầu bài phát biểu tại Havana bằng câu thơ: "Cltivo una rosa blanca" (Tôi trồng một bông hoa hồng trắng). Đây là câu đầu tiên trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Cuba yêu nước nổi tiếng Jose Marti, nói về mong muốn thiết lập tình hữu nghị với cả bạn bè và kẻ thù.
Video: Obama đọc thơ Cuba
Đó là bài thơ mà tất cả học sinh Cuba đều học ở trường tiểu học, là một phần của tâm hồn Cuba. Khi tổng thống Mỹ đọc câu thơ này, ông Obama đã thực sự thể hiện ông đến Cuba để "chôn vùi những tàn tích cuối cùng của Chiến tranh Lạnh", Sun Sentinel viết.
Ông kêu gọi giới trẻ Cuba hướng về tương lai với hy vọng và kêu gọi họ xây dựng những điều mới mẻ. Ông cũng kêu gọi những người Mỹ gốc Cuba tìm về nguồn cội. "Tương lai của người Cuba phải nằm trong tay người Cuba", ông nói.
Bài phát biểu trước giới trẻ gây chú ý nhất trên truyền thông của tổng thống Mỹ là cuộc diễn thuyết 40 phút trước các thanh niên Kenya tại một sân vận động, trong chuyến thăm quê cha tháng 7/2015.
Ông kể lại chuyến đi đầu tiên đến Kenya vào năm 1998, khi còn là một sinh viên luật trẻ, tìm hiểu nguồn cội của mình. Ông nói về lịch sử hỗn loạn của Kenya và nhắc đến sự thất vọng của cha mình khi trở về Kenya sau khi được giáo dục ở Mỹ.
Ông Obama nhấn mạnh Kenya giờ đã thay đổi. "Người Kenya trẻ và tham vọng ngày nay không cần phải làm những gì cha tôi đã làm - rời khỏi quê hương để được giáo dục tốt hơn và tiếp cận nhiều cơ hội hơn. Vì sự tiến bộ của Kenya, vì tiềm năng của các bạn, các bạn có thể xây dựng tương lai ngay tại đây, ngay bây giờ", ông nói. Khán giả nổ tràng pháo tay giòn giã để hưởng ứng.
Ông nhấn mạnh chính người Kenya chứ không ai khác phải đảm bảo đất nước ngày càng tiến bộ và có nhiều cơ hội hơn. Tổng thống Mỹ nhắc đến một số vấn đề của Kenya như hủ tục, bất bình đẳng với phụ nữ, tảo hôn, căng thẳng sắc tộc và tham nhũng. Không thể nào diện tận gốc tham nhũng chỉ bằng những điều luật cứng rắn, ông nói. "Nó đòi hỏi phải có sự cam kết của toàn quốc gia, của cả các lãnh đạo và người dân để thay đổi thói quen và văn hóa", ông nhấn mạnh.
Theo Time, điều khiến khán giả ngạc nhiên và thích thú là ông Obama dành vài phút để nói về bất bình đẳng với phụ nữ, quyền được đi học của bé gái, và thậm chí đến tục cắt âm vật, vẫn còn được thực hành tại một số nơi ở Kenya. "Đối xử với phụ nữ và bé gái như công dân hạng hai là truyền thống xấu", ông khẳng định.
Sinh viên y khoa James Mugo, người được bắt tay ông Obama, nói rằng giới trẻ Kenya sẽ khắc sâu thông điệp của ông vào tận trái tim. "Bài diễn văn của Tổng thống Mỹ Obama đã cho chúng tôi sự khích lệ để làm cho đất nước tươi đẹp hơn", anh nói.
Xem thêm: Báo Mỹ chú ý đến màn beat box của ông Obama tại Sài Gòn
Những câu nói của Obama được người Việt vỗ tay không ngớt
Phương Vũ