Quân đội Mỹ hôm 10/12 triển khai hai oanh tạc cơ chiến lược B-52H xuất phát từ căn cứ Barksdale, bang Louisiana, bay thẳng không nghỉ đến Trung Đông trước khi quay về nước. Hành động này nhằm "răn đe những hoạt động hung hăng" và thể hiện cam kết của quân đội Mỹ với các nước trong khu vực, theo thông cáo từ Bộ chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) quân đội Mỹ.
Chưa đầy hai tuần sau, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình USS Georgia cùng tàu tuần dương USS Port Royal và USS Philippine Sea hôm 21/12 cũng đi qua eo biển Hormuz để tiến vào vịnh Ba Tư. Hải quân Mỹ cho biết điều này thể hiện Washington sẵn sàng phòng thủ trước các mối đe dọa vào mọi thời điểm.
Loạt động thái phô diễn sức mạnh dồn dập này diễn ra trong bối cảnh giới lãnh đạo quân đội Mỹ lo ngại nguy cơ Iran tấn công vào dịp kỷ niệm một năm ngày Washington sử dụng máy bay không người lái để hạ sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hôm 3/1.
Giới chuyên gia đánh giá sự hiện diện của biên đội B-52 và tàu ngầm USS Georgia vừa giúp Mỹ kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của những khí tài chiến lược này, vừa phát thông điệp răn đe mạnh mẽ tới Iran, ngăn khả năng nước này hoặc các nhóm dân quân ủy nhiệm tấn công cơ sở hạ tầng và công dân Mỹ tại Trung Đông.
Trong chuyến bay kéo dài 36 tiếng hôm 10/12, hai chiếc B-52 mang hô hiệu COMAL11 và COMAL12 được tiếp dầu bởi hàng loạt máy bay KC-135 và KC-10. Biên đội máy bay Mỹ cũng được các tiêm kích F-15SA của Arab Saudi hộ tống khi hoạt động tại Trung Đông, trong khi vẫn duy trì khoảng cách an toàn ở xa không phận Iran.
Đợt triển khai được coi là phép thử với năng lực triển khai chớp nhoáng, trong thời gian ngắn của Washington. Sự điều phối giữa biên đội B-52 và các máy bay tiếp dầu là tối quan trọng với thành công của nhiệm vụ, trong khi động thái phối hợp với tiêm kích F-15SA dường như là màn phô trương sức mạnh với Tehran.
Một nhiệm vụ tương tự cũng được tiến hành hồi tháng 11 khi biên đội hai chiếc B-52H cất cánh từ căn cứ Minot, bang Bắc Dakota, tới Trung Đông rồi quay về.
Những chuyến bay không nghỉ của oanh tạc cơ chiến lược Mỹ không còn gây chú ý như thời Chiến tranh Lạnh, nhưng việc hải quân Mỹ thông báo về chuyến di chuyển của tàu ngầm hạt nhân USS Georgia qua eo biển Hormuz có thể coi là động thái khác thường.
Trung tá hải quân Rebecca Rebarich, phát ngôn viên Hạm đội 5 hải quân Mỹ, cho biết đây là lần đầu tiên quân chủng này thông báo công khai về sự xuất hiện của một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình lớp Ohio tại vịnh Ba Tư kể từ năm 2012.
USS Georgia là một trong 4 tàu ngầm lớp Ohio được hoán cải, dỡ bỏ tên lửa đạn đạo và trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk. Nó mang được 154 quả Tomahawk, nhiều hơn cả một biên đội tàu mặt nước, toàn bộ số tên lửa này có thể phóng theo loạt từ dưới nước trong vòng 6 phút.
USS Georgia có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, với khả năng triển khai hơn 60 lính đặc nhiệm hải quân qua khoang đặc biệt sau tháp điều khiển. Nó cũng được dùng để phóng tàu lặn không người lái (UUV), tàu ngầm chở đặc nhiệm, phao định vị thủy âm và các cảm biến dưới nước khác.
"Hải quân Mỹ thường giữ bí mật về động thái di chuyển của hạm đội tàu ngầm, đặc biệt là những chiếc có cấu hình đặc biệt như lớp Ohio hoán cải. Chuyến đi qua vùng biển nhạy cảm của USS Georgia sẽ thu hút nhiều sự chú ý, những cũng đặt nó vào vòng nguy hiểm", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận xét.
USS Georgia có thể trở thành công cụ thu thập tin tức tình báo, trinh sát và do thám rất mạnh ở gần bờ biển Iran cũng như eo biển Hormuz và vịnh Ba Tư, trong khi vẫn ẩn mình trước những đối thủ tiềm tàng. Điều này rất có lợi ở vùng biển nhỏ hẹp ngoài khơi Iran, vốn được coi là "yết hầu" nguy hiểm với tàu mặt nước.
Nếu bùng phát xung đột, USS Georgia có thể tấn công nhiều loại mục tiêu trong bán kính 1.600 km bằng tên lửa hành trình phóng từ dưới nước, không lo bị đáp trả bởi lực lượng tên lửa chống hạm và xuồng cao tốc của Iran. Lực lượng đặc nhiệm trên tàu cũng có thể được triển khai cho nhiệm vụ đột kích, thu thập tin tình báo và nhiều chiến dịch trên bờ biển.
Đây không phải lần đầu tàu ngầm mang tên lửa hành trình lớp Ohio xuất hiện tại một khu vực khi căng thẳng địa chính trị gia tăng. Tàu ngầm USS Michigan từng cập cảng Busan của Hàn Quốc hồi năm 2017 khi Mỹ và Triều Tiên liên tục đe dọa nhau.
Washington triển khai oanh tạc cơ, tàu ngầm hạt nhân đến Vùng Vịnh không lâu sau khi các cường quốc châu Âu cáo buộc Tehran vi phạm các điều khoản hạn chế quan trọng nhất trong thỏa thuận hạt nhân, như lắp đặt thêm máy gia tốc đời mới để tăng tốc làm giàu uranium, vượt quá mức độ làm giàu và lượng uranium được phép dự trữ.
Một số nguồn tin cho rằng Iran cũng đang xây dựng những cơ sở mới cho chương trình hạt nhân, bao gồm nhiều công trình ngầm có khả năng chống chịu các đòn không kích.
Mỹ và Israel lo ngại Iran có thể tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó với những lệnh trừng phạt của Washington. Tổng thống đắc cử Joe Biden đã tỏ ý muốn đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân mà Tổng thống Donald Trump rút khỏi năm 2018. Tehran có thể đang đẩy mạnh chương trình hạt nhân để tìm kiếm lợi thế đàm phán trước khi nước Mỹ chuyển giao quyền lực vào tháng 1 năm sau.
"Sự hiện diện của tàu ngầm và máy bay B-52 là tín hiệu rõ ràng với Tehran, cho thấy Washington sẵn sàng và có khả năng đáp trả mọi hành động hung hăng trong khu vực, cũng như mang tới nền tảng quý giá để giám sát những động thái xấu trong thời bình. Nếu xung đột nổ ra, kho vũ khí khổng lồ của hai khí tài này sẽ mở đầu đòn phủ đầu, phá hủy lưới phòng không và cơ sở hạ tầng thiết yếu của Iran", Trevithick nhận xét.
Vũ Anh (Theo Drive)