Bộ tư lệnh Tấn công toàn cầu (AFGSC) thuộc không quân Mỹ ngày 14/9 xác nhận một oanh tạc cơ tàng hình B-2 gặp trục trặc khi bay huấn luyện, phải hạ cánh khẩn cấp xuống căn cứ không quân Whiteman ở bang Missouri và bị hư hỏng trên đường băng. Tuy nhiên, AFGSC không nói rõ mức độ hư hỏng của phi cơ tàng hình trị giá 2 tỷ USD này.
Công ty Planet Labs hôm nay công bố ảnh vệ tinh thương mại chụp sáng 15/9 tại căn cứ không quân Whiteman, cho thấy oanh tạc cơ tàng hình B-2 nằm nghiêng trên bãi cỏ cạnh đường băng duy nhất của sân bay Whiteman.
Trong ảnh, đầu cánh trái của chiếc B-2 quệt xuống mặt cỏ, cửa hút và xả khí động cơ đều được che kín, nhiều người và phương tiện vây quanh phi cơ. Vị trí máy bay nằm gần đoạn giữa đường băng, cho thấy nhiều khả năng nó lao ra bãi cỏ trong quá trình giảm tốc.
Nguồn tin giấu tên cho biết oanh tạc cơ B-2 gặp sự cố thủy lực trên không và bị sập càng trái khi hạ cánh, khiến nó lao ra ngoài đường băng và quệt mũi cánh trái xuống đất. Thông tin này chưa được xác nhận, nhưng trùng khớp với dấu hiệu trong ảnh chụp vệ tinh.
Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa công bố thiệt hại của sự cố. Giới chuyên gia quân sự cho rằng mức độ hư hỏng của chiếc B-2 có thể từ trầy xước vỏ hấp thụ sóng radar cho đến hư hỏng cấu trúc khung vỏ và thân cánh.
Không quân Mỹ đã lập vùng cấm bay với bán kính gần 10 km quanh căn cứ Whiteman sau sự cố, cho biết không có người bị thương và cú hạ cánh không gây cháy. "Sự việc đang được điều tra, chúng tôi sẽ công bố thêm thông tin khi có thể", AFGSC cho hay.
B-2 Spirit là mẫu oanh tạc cơ chiến lược được Mỹ ra mắt năm 1988, cũng là phi cơ đắt nhất trong lịch sử. Giá thành chế tạo một chiếc B-2 khi đó là 515 triệu USD, tương đương 1,06 tỷ USD hiện nay. Nếu tính cả chi phí nghiên cứu phát triển, mỗi chiếc Spirit sẽ có giá lên tới 2,1 tỷ USD. Dòng B-2 là mũi nhọn trong mọi đòn đánh phủ đầu của Mỹ, nhờ khả năng tàng hình trước radar đối phương.
Mỹ đã sản xuất tổng cộng 21 oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit, trong đó một chiếc bị phá hủy hoàn toàn do sự cố trong lúc cất cánh tại đảo Guam hồi năm 2008. Một phi cơ khác cũng bị hư hỏng nặng do cháy trên mặt đất năm 2010, nhưng được sửa chữa và đưa trở lại biên chế với chi phí rất cao.
Vũ Anh (Theo Drive)