Lô hàng mới nhập của công ty anh vừa qua cảng. Anh phải xuống nộp một hóa đơn phí sử dụng hạ tầng cảng biển hơn 210 triệu đồng. Quá choáng váng vì khoản phí mới phát sinh này, anh bảo lãi chuyến hàng này coi như hết.
Tốc độ tăng phí “thần tốc” khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Trong vòng chưa đầy 48 giờ, khi hàng của anh còn lênh đênh trên biển, từ chỗ có lãi vài trăm triệu, khi hàng cập bến, đã không còn đồng lãi nào.
Anh không hề biết Hải Phòng vừa ban hành nghị quyết mới về thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển. Nghị quyết được thông qua ngày 13/12/2016, công bố cho doanh nghiệp vào 30/12/2016 và có hiệu lực luôn vào ngày làm việc đầu tiên năm 2017 - ngày chuyến hàng của anh Nam đang trên đường về cảng. Mức phí 20 nghìn đồng một tấn hàng rời nhập khẩu, trước đó hoàn toàn không phải chịu. Với hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan thì 50 nghìn đồng mỗi tấn, tăng gấp đôi so với 2016 và tăng hơn gấp ba so với 2013.
Giống tình cảnh anh Nam, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu từ 1/1/2017 phải trả từ 2,2 đến 4,8 triệu đồng một container nếu là hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu hay gửi kho ngoại quan. Theo ước tính của Hiệp hội Bông - Sợi, một doanh nghiệp sợi dệt trung bình sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đồng đến 2,4 tỷ đồng một năm cho riêng khoản phí mới này.
Điều mà nhiều doanh nghiệp như anh Nam không giải thích được là khoản phí này “nhằm bù đắp chi phí” gì? Việc giải thích là nguyên tắc thu phí mà Luật Phí và Lệ phí đã quy định. Khi xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp đã chi trả hàng chục loại phí khác nhau cho các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng ở cảng biển từ dịch vụ cầu cảng, kho bãi, vận chuyển, cân tải trọng, vệ sinh, công trình dịch vụ tiện ích khác… đủ hết. Đường sá tốt hơn trước nhưng họ cũng đang phải trả phí đường bộ tăng cao ngất ngưởng.
Cảng biển quốc tế không phải chỗ nào cũng có. Doanh nghiệp như của anh Nam không thể mang hàng về qua cảng Đà Nẵng hay Sài Gòn để tiết kiệm khoản phí này, vì khoảng cách quá xa. Nhiều doanh nghiệp những vùng khác cũng đang nhấp nhổm. Họ lo sợ khoản thu phí hạ tầng (dự kiến lên đến 1.500 tỷ đồng chỉ trong năm 2017 cho Hải Phòng) là một tín hiệu hấp dẫn để các địa phương có cảng biển, cảng sân bay hay cửa khẩu khác đồng loạt ban hành quy định thu phí.
Phí tăng, giá thuê đất cũng tăng. Cuối năm rồi, tôi dự một sự kiện ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nghe hàng loạt lời kêu cứu. Nhiều doanh nghiệp nhận được bản áp giá thuê đất mới, đều tăng từ 10 - 16 lần so với giai đoạn trước. Một doanh nghiệp nhỏ, vốn điều lệ 8,1 tỷ đồng, nhận hóa đơn thuê đất 8,6 tỷ trong khi năm ngoái chỉ là 580 triệu đồng.
Có doanh nghiệp tư nhân lớn đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho một dự án trọng điểm tại tỉnh thì mới nhận được văn bản tính giá tiền thuê đất tăng đến 14 lần so với khi ký hợp đồng 5 năm trước. Doanh nghiệp bế tắc, mức giá này làm cho mọi phương án kinh doanh lạc quan nhất sụp đổ.
Việt Nam đang có khoảng 600.000 doanh nghiệp tư nhân chính thức, hầu hết đang nhỏ bé li ti và không thể lớn. Mức đóng thuế, phí và các khoản nộp ngân sách của doanh nghiệp luôn gấp 2 - 3 lần so với mức lợi nhuận trước thuế. Với các doanh nghiệp siêu nhỏ, tỷ lệ này thậm chí lên tới 4 - 4,5 lần. Tốc độ tăng của các khoản thuế, phí và các khoản phải nộp ngân sách tại các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong những năm qua đang nhanh hơn nhiều so với mức cải thiện về lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp.
Tết, tôi gọi điện chúc Tết anh Nam. Anh nói ngắn gọn, kỳ vọng năm 2017 này là một năm Chính phủ thực sự hành động về doanh nghiệp, một năm mà doanh nghiệp như anh sẽ không phải oằn mình về thuế phí.
Dường như mong muốn tăng thu ngân sách là gánh nặng của nhiều cơ quan nhà nước. Áp lực khiến họ tìm cách đặt ra thêm các khoản thu. Nhưng bài toán ở đây là làm sao để thu được lượng thuế lớn nhất với thiệt hại kinh tế toàn cục nhỏ nhất.
Nếu không nuôi dưỡng doanh nghiệp bằng chính sách thuế phí hợp lý, làm sao họ có thể tồn tại, lớn mạnh để từ đó tạo ra doanh thu, việc làm và góp phần tăng ngân sách qua tiền đóng thuế?
Đậu Anh Tuấn