Chợ hoa Tết ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Những cảm xúc dâng trào trong tôi giống như những cơn sóng nối tiếp nhau tưởng không bao giờ dứt. Yêu nhất vì nó gợi nhớ lại trong tôi những kỷ niệm tuyệt vời với gia đình khi tôi còn ở Hà Nội. Những kỷ niệm của sự đoàn viên, của sự sẻ chia, những kỷ niệm bắt nguồn từ những điều thật giản dị; giản dị đến mức đôi khi ta vì vô tình không cảm thấy yêu quý và trân trọng.
Sợ nhất là những kỷ niệm đang dần trở thành hoài niệm chăng.
Tôi nhớ lại những Tết năm trước ở Hà Nội. Nhớ nhất những ngày giáp tết trời hanh, gió buốt, lạnh tê tái những đầu ngón tay. Sau này khi ở Nhật hoặc được chồng cho đi du lịch châu Âu giữa trời lạnh giá nhưng không hiểu sao cái lạnh ở Hà Nội vẫn ám ảnh tôi đến kỳ lạ.
Tết Hà Nội gắn với tôi nhiều kỷ niệm yêu thương.
Ba mẹ tôi sinh được 9 người con. 5 trai và 4 gái. Tôi là con gái út sinh đúng vào dịp giáp Tết.
Mẹ tôi kể bố tôi là người khó tính và gia trưởng. Ông coi trọng con trai hơn con gái. Khi mẹ sinh tôi, bố đã để sẵn một con gà trống lớn để nếu báo tin sinh con trai, bố sẽ mở tiệc thịt gà khao mọi người. Thế nhưng con gà may mắn chưa đến số chết nên được để dành đến ngày rằm vì tôi là bé gái.
Mỗi lần giáp Tết, đến sinh nhật tôi mọi người lại kể lại chuyện này. Bố tôi là thế. Nhưng về sau ông lại thương tôi nhất.
Tết đến, cả nhà ai cũng háo hức. Cả năm trời đầu tắt mặt tối, ăn tiêu dè xẻn nhưng đến tết mọi người trở nên phóng khoáng hơn. Đồng tiền giảm bớt quyền uy của nó. Bằng chứng là những tờ polimer xanh được rút ra khỏi túi dứt khoát hơn, can đảm hơn.
Tết đến. Những người phụ nữ trong gia đình bận túi bụi nhưng ai cũng vui vẻ chứ không gắt gỏng như trong năm.
Cũng là đi chợ. Nhưng không phải là cái làn nhỏ, bình thường mà là cái làn lớn màu đỏ được treo trên bếp chỉ được dùng khi tết về.
Cũng là đi chợ. Nhưng không phải vài mớ rau muống, rau mồng tơi, con cá rô đơn giản mà các chị gái lớn phụ mẹ đi chợ mang về nào là cá chép to để kho với thịt mỡ ăn vô cùng bùi và béo, nào là những con gà mái tơ luộc lên sánh mỡ vàng óng và vô vàn rau, củ quả khác để làm nộm hoặc món xào, món nấu.
Đối với những gia đình ở Hà Nội thì một mâm cỗ tết ngoài bánh chưng, giò lụa nhất định phải có nồi măng và đĩa thịt gà luộc.
Những năm trước nữa khi kinh tế gia đình còn khó khăn, mấy anh chị em tôi còn nhỏ, năm nào sang, bố mẹ khá thì được ăn thịt gà đến hết 30, mùng 1 tết. Từ mùng 2 là trí tưởng tưởng về những con gà béo phải phát huy hết công suất. Nhưng rồi con cái trong gia đình lớn dần. Mấy anh em tôi đi làm, trưởng thành, mang tiền về giúp đỡ cha mẹ. Gia đình tôi thoát nghèo dần dần.
Bây giờ khi tết về là anh cả về tận quê đặt trước người ta những con gà ta béo nhất, thịt ngon nhất để biếu bố mẹ. Chỉ có một điều là bây giờ răng bố mẹ đều đã kém. Chỉ nhìn đĩa thịt gà mà cảm thấy hạnh phúc chứ không còn ăn được nhiều như xưa.
Hồi nhỏ tôi là đứa con gái bướng nhất nhà. Có những việc nếu tôi thấy không đúng và không cần thiết tôi thường cãi đến cùng. Vì cái tội này mà mấy cái tết tôi bị bố cho ăn đòn.
Tôi nhớ nhất là tôi thường làu bàu, phụng phịu khi mẹ bảo mang hết tất cả bát đĩa, cốc chén, ly tách trong tủ kính, tủ chè trong kho ra rửa. Tôi nghĩ không cần thiết vì trong năm không dùng đến tất cả nhưng vì sợ bố cho ăn đòn nên đành mang hết ra chỗ rửa. Nhân tiện được nghịch xà phòng. Sau này khi lớn hơn một chút tôi hiểu vì sao mẹ muốn tôi lau hết số bát đĩa này. Mẹ bảo năm mới mọi thứ đều phải mới mẻ.
"Cũng giống như trong tâm hồn của mỗi chúng ta phải tẩy rửa sạch những cái suy nghĩ cũ và sai lệch con ạ! Phải quên hết những việc đã làm ta buồn, phải để cho tâm trí của chúng ta mở rộng đón những cái mới".
Mẹ tôi chỉ được bà ngoại cho học hết lớp 2 nhưng suốt đời tôi cảm thấy vô cùng kính trọng mẹ. Bà có lối giáo dục con cái không bao giờ dùng roi, vọt và những suy nghĩ hết sức người và nhân bản như vậy đấy.
Đối với gia đình tôi ngày 30 là một trong những ngày đáng nhớ nhất khi tết về.
Sáng ngày 30 tết mẹ thường mua quế ở những tiệm thuốc cho vào nồi luộc lên. Những thanh quế xù xì, xấu xí, không ai muốn động tay nhưng khi được luộc chín tỏa mùi thơm ngào ngạt và đặc biệt.
Mấy người khách lạ hoặc hàng xóm khi đi ngang qua nhà tôi thường nán lại vài phút để tận hưởng mùi thơm rất đặc biệt này.
Đến chiều ba mươi Tết, dù bận rộn đến mấy mẹ cũng sai chị tôi mua sẵn hương nhu, lá thơm hòa vào nước luộc lên thành một nồi to cho cả nhà tắm mà mẹ bảo là một lần nữa gột rửa hết những cái cũ đi, để chúng ta thật thanh thản, thật nhẹ nhành đón năm mới.
Đêm 30 trước bàn thờ gia tiên, tất cả anh chị em cúi đầu thành kính dâng lễ và thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên. Bố mẹ tôi xin gia tiên phù hộ cho một năm mới của mọi sự suôn sẻ, may mắn và sức khỏe.
Bố bảo: "Đừng cầu tiền tài! Biết bao nhiêu là đủ hả các con? Chỉ nên cầu sức khỏe và có ý chí mạnh mẽ”. Như vậy cũng là quá đủ, quá nhiều.
Giao thừa. Tôi vẫn nhớ năm nào bố cũng ôm lấy mẹ. Mắt bố rơm rớm miệng bố nói nhỏ “cám ơn em”.
Mẹ cũng rơm rớm nước mắt. Đó là những giờ khắc vô cùng hạnh phúc trong cuộc đời của mẹ.
Vì là con gái út trong một gia đình có 9 anh chị em nên khi còn nhỏ tôi là đứa mong nhất giây phút này. Tiền mừng tuổi bố mẹ cho tôi giữ. Năm nào tôi cũng nói dối bố mẹ là tôi đã mua đồ chơi hết. Nhưng bố mẹ đều biết tôi giấu hết những tờ tiền giấy mới coong trong cái gối nhỏ thỉnh thoảng mang ra ngắm nghía. Khi đã lớn, tôi thường mừng tuổi ngược lại bố mẹ và biếu bố mẹ lại tất cả tiền mừng tuổi của tôi.
Mẹ tôi giờ đã lớn tuổi càng hay xúc động, càng hay mau nước mắt. Những lúc như thế mẹ lại khóc.
Tết lại đến rồi. Ở Yokohama tôi nhớ da diết về Hà Nội.
Bây giờ là 10.30 phút tối ngày 30 âm lịch. Ở Việt Nam là 8.30 tối.
Có tiếng chìa khóa tra lách cách ở ngoài cửa. Chồng tôi đã về. Hôm nay dù rất bận việc anh cũng cố gắng về nhà sớm hơn mọi khi một chút để cùng tôi ăn tối và đón giao thừa. Anh cũng đã học một số câu chúc mừng năm mới bằng tiếng Việt để chúc tết bố mẹ tôi qua điện thoại.
Hơn ai hết anh hiểu giây phút này có ý nghĩa đối với tôi biết chừng nào.
Cho dù ở Yokohama dòng người có bước đi vội vã, thời gian có như tên bay, nhịp sống có gấp gáp và căng thẳng đến đâu thì ngay lúc này lòng tôi đang rất thanh thản, yên bình đón giờ khắc năm mới sắp sang.
Cho dù chồng tôi có dành rất nhiều tình yêu thương cho người vợ Việt Nam bé nhỏ của anh, tôi không bao giờ vơi bớt nỗi nhớ về Hà Nội. Nỗi nhớ da diết và đậm sâu.
Ôi! Hà Nội. Phải đi xa, phải trải nghiệm mới hiểu được tình cảm quê hương đáng quý và đáng trân trọng biết nhường nào!
Nguyễn Kim Thanh
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'.