Cách đây vài năm, trong một buổi ngồi uống cà phê với nhau, đứa bạn thân hồi đại học của tôi trầm ngâm một lúc và hỏi: "Mày có định về quê sống không?".
Tôi nhanh nhảu đáp: "Chưa từng nghĩ đến". Thật ra, trong những buổi chiều tan làm, trời Sài Gòn mưa tầm tã và phải vật lộn trong đám đông vì kẹt xe, tôi đã nhiều lần nghĩ đến điều đó. "Vì sao phải khổ sở thế này?", tôi tự hỏi.
Nhưng khi có công việc và tiền lương, đi dạo vào những buổi tối mát mẻ, tôi lại tự nhủ: "Cố bám trụ thôi, về quê làm sao sống". Thứ nhất, bao nhiều năm ăn học, làm việc ở thành phố, bây giờ về quê sẽ đối mặt với những lời thị phi thất bại, hay kiểu "nó gây gì trên thành phố rồi".
Thứ hai, quê tôi chủ yếu làm nông, không có nhà máy, xí nghiệp như quê bạn tôi. Thế rồi cái gì đến cũng đến, bạn tôi quyết định dọn về quê vì là con một, ba mẹ ngày mỗi già yếu. Tin nhắn đầu tiên bạn nhắn cho tôi sau khi về quê là bày tỏ sự sốc nặng vì lương giảm hơn một phần ba. Từ 18 triệu đồng mỗi tháng xuống còn 5,5 triệu chưa tính phụ cấp, tăng ca...
Đã vậy, trước đó ba mẹ ở quê phải tận dụng các mối quan hệ mới xin được một chân làm việc văn phòng trong một công ty may mặc cho bạn tôi.
Tôi chỉ biết an ủi bạn rằng, chịu khó một thời gian lương sẽ tăng và cái được lớn nhất là được ở bên cạnh cha mẹ, ở quê không khí trong lành, thực phẩm sạch...
Về quê sống thì làm công việc gì luôn ám ảnh tôi. Mà tôi cảm giác công việc ở quê cũng ngày càng ít. Đợt Tết này, tôi hỏi chuyện anh hàng xóm, vốn làm nghề xịt thuốc rầy thuê, anh bảo ngày xưa tiền công cũng được vài trăm nghìn mỗi ngày, còn bây giờ hiếm lắm mới có người thuê, bởi một số người đã mua drone về xịt, anh không cạnh tranh lại. Xịt thuê chỉ còn cần cho những hộ có vườn, ruộng nhỏ lẻ.
Giá nhà Hà Nội, Sài Gòn quá cao, vượt ngoài tầm với của phần đông người lao động. Nhiều người bảo rằng sao không về quê sống? Tôi lại bật cười và nhớ đến câu chuyện một vị vua khi nghe triều thần nói ngoài kia người dân không có gạo ăn, nhà vua hỏi: Thế sao không ăn thịt.
Ở phố, dù không mua được nhà nhưng dễ kiếm công việc và lương cao hơn ở quê. Đấy chính là lý do nhiều người dù muốn hay không cũng phải ở phố.
Hải Hà
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.