Bố mẹ thân yêu,
Thế là chỉ 2 tuần nữa là đến Tết. cái Tết đầu tiên xa nhà đến thế…
Nhớ ngày trước năm nào con cũng cằn nhằn mẹ. Người bây giờ chứ có phải ngày xưa đâu mà cứ đến Tết là phải tranh mua tranh bán? Sao mẹ cứ phải mua đầy các thứ chất trong tủ lạnh, để rồi sau đó ăn đến nửa tháng cũng không hết? Sao Tết lại cứ phải rượt hết nhà này đến nhà khác, mà không được đi du lịch xa có phải hơn không?
Năm nào con cũng nói thế, và lần nào mẹ cũng cười, mẹ bảo: "Để năm sau nhé". Nhưng rồi năm sau mẹ lại thế, lại chuẩn bị từ trước hàng tháng, lại vất vả với nồi bánh chưng, lại mua thức ăn chất đầy tủ lạnh. Có những lần con đã rất khó chịu với mẹ vì phải vất vả như thế, có những lần con đã nghĩ: Mẹ đúng là người từ thời cổ…
Và rồi, năm nay con đón Tết xa nhà, cách hơn 13.000km. Tết chưa đến, nhưng con đã biết Tết năm nay sẽ thế nào.
Mẹ ơi, Tết này con vắng nhà. Ảnh do độc giả cung cấp |
Con sẽ chẳng chuẩn bị gì, sẽ không có cái bánh ú xấu xí đặc biệt, nhiều thịt ít nếp lẫn mà con vẫn tự làm. Sẽ chả có mấy củ khoai lang, khoai tây nướng béo trùng trục. Vì ở đây có một mình, ăn uống thì linh tinh cho qua bữa, những thứ quà Tết, những món thuần Việt cũng là những xa xỉ phẩm với túi tiền của du học sinh.
Ngày 30 Tết, con sẽ ko được cùng mẹ ngồi quán cafe quen thuộc, nhâm nhi li bạc xỉu ngắm nhà nhà, người người đang đi sắm Tết, ngày hôm ấy con phải đi học bình thường.
Tối giao thừa năm nay, sẽ không còn được xem Táo quân, sẽ ko được ngồi bỏm bẻm cắn hạt dưa với cả nhà, và chờ bố mừng tuổi. Những giao thừa trước, trước khi hết năm cũ 3 phút, con sẽ chui tọt ra khỏi nhà, qua giao thừa lại bước vào, vì con vẫn bảo "con tốt số, xông nhà sẽ rất may". Tối giao thừa năm nay con sẽ phải tham dự một bữa tối với cả khoa nhân ngày gì đó mà con không hiểu. Trong lòng thì cứ ngong ngóng nghĩ là: Ừ, ở nhà đã là giao thừa, năm nay ai sẽ là người xông đất nhà mình đây?
Gửi bài dự thi "Xuân Quê hương" của bạn |
Mấy ngày đầu năm, thay vì ở nhà tiếp khách thuê cho mẹ (sẽ được mẹ trả công vì mẹ bảo mẹ ngại tiếp khách khứa đông, ngại phải uống rượu) con sẽ vẫn phải vật lộn trong bệnh phòng, với bệnh nhân của con. Sẽ không được cùng cả nhà đến thiền viện Trúc Lâm vào năm mới để cầu chúc một năm an lành. Ngày mùng 3, sẽ không còn tụ tập, đàn đúm với đám bạn cấp 3 đến tối muộn mới về. Năm nay, cả 3 ngày ấy con đều đi học…
Rồi cũng sẽ không được mẹ nhét bánh chưng vào balo và bảo: "Mang đi mà ăn, bánh chưng nhà mình ngon, mà bố mẹ làm kỹ lắm, không hỏng được đâu". Rồi con cũng không được cằn nhằn, "còn nhiều thứ trong tủ lạnh lắm, bố mẹ ăn được thì ăn, không ăn được thì bỏ đi nhé". Con cũng chả được bố cầm balo cho xuống đợi xe để lên đường về trường nữa. Không được nhìn thấy bố mẹ rơm rớm nước mắt và tần ngần khi xe chuyển bánh.
Đúng là người ta phải lớn đến một tầm nào đó mới có thể mong muốn mình bé lại, người ta phải trải qua nỗi cô đơn trên đất người trong những ngày Tết thì mới biết thế nào là ý nghĩa của những chữ "Tết đoàn viên". Con đã từng nghĩ, mình là người trẻ, năng động, đi tây đi tàu thì sướng, chứ báu gì mấy ngày Tết ở nhà mà rượt nhau…
Và bây giờ thì con đã hiểu, mẹ muốn chiều lòng con gái, nên mẹ nói, năm sau sẽ đi du lịch, nhưng vẫn muốn con được hưởng một cái Tết truyền thống, bên bạn bè, bên gia đình nên năm nào cũng phải tất bật chuẩn bị. Mẹ thích làm thật nhiều bánh chưng, thật nhiều món ngon vì nghĩ con cả năm trời cơm bụi khổ sở. Mẹ thuê con trông phòng khách cho mẹ để thấy được cái vẻ mặt hí hửng của con khi nhận tiền công, và trong những người khách đến chơi, có các anh mà bố mẹ "giấm" cho con gái để chống ế…
Tết, ý nghĩa nhất là gia đình được ở bên nhau thôi, phải không mẹ. Tết này, con biết bố mẹ sẽ buồn vì con gái xa nhà. Bố mẹ mau nước mắt lắm, nên bố mẹ sẽ khóc một tí vì không biết con đang làm gì… Nhưng thôi, papi và mami ơi, năm sau con sẽ về!!!
Thùy Chi