Một nhóm dân chúng biểu tình ngồi trước cổng tòa nhà Quốc hội Mỹ, ngày 9/10, để phản đối kế hoạch đánh Iraq. |
Hiến pháp Liên bang không quy định rõ ràng là tổng thống, tức người đứng đầu Chính phủ Mỹ, có quyền tuyên chiến mà không cần sự đồng ý của quốc hội. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết rằng tổng thống, với tư cách tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, phải chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia và sự an toàn của mỗi công dân, có quyền chỉ ra là đất nước đang bị đe dọa, và trong trường hợp đó, có thể đơn phương triển khai quân đội.
Tất nhiên, dù George Bush có chỉ ra được là Mỹ đang bị đe dọa hay không thì ông vẫn muốn hành động có sự ủng hộ của quốc hội hơn. Để làm việc này, ông sẽ gửi một dự thảo nghị quyết đến Quốc hội Mỹ (gồm thượng viện và hạ viện), đề nghị các nhà lập pháp bỏ phiếu để trao cho ông quyền sử dụng quân đội đánh Iraq. Về mặt chiến lược thì nếu kế hoạch chiến tranh của ông Bush được sự ủng hộ rộng rãi của quốc hội, có nghĩa là nước Mỹ nói chung đã đạt sự thống nhất về việc phải giải giáp Iraq và hạ bệ Tổng thống Saddam Hussein. Điều đó có khả năng giúp ông Bush vận động thành công Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết tương tự đối với vấn đề Iraq.
Về phía Quốc hội Mỹ, hiến pháp nước này cho quốc hội và chỉ quốc hội mà thôi, quyền chính thức tuyên bố chiến tranh. Nhưng ở một vài lần xung đột trước đây trong quá khứ, Quốc hội Mỹ đã trao lại quyền đó cho tổng thống. Như trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chẳng hạn, Chính phủ Mỹ coi sự can thiệp của mình vào khu vực là một hành động nhằm đảm bảo an ninh trật tự chứ không phải chiến tranh, và vì thế, Tổng thống Harry S. Truman không vận động quốc hội tuyên chiến chính thức. Đến năm 1964, Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, trao quyền cho Tổng thống Lyndon Johnson phát động chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 12/1/1991, Quốc hội Mỹ thông qua một nghị quyết tương tự, cho phép tổng thống George H. W. Bush (cha) sử dụng vũ lực đối với Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh.
Được quốc hội ủng hộ, G. Bush sẽ có hầu hết các quyền ông yêu cầu để có thể hành động không cần thông qua LHQ. |
Hiện nay, Tổng thống George Bush không vận động quốc hội tuyên chiến chính thức, mà đang thuyết phục họ cho ông quyền "sử dụng tất cả các phương tiện mà theo tổng thống là thích hợp", kể cả vũ lực, để bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ. Ông lập luận, việc quốc hội thông qua một nghị quyết như vậy sẽ khiến Iraq và cả thế giới thấy rằng người dân Mỹ đoàn kết như một, ủng hộ chính phủ.
Còn về vai trò của LHQ, Hội đồng Bảo an LHQ là cơ quan duy nhất của tổ chức đa phương này có quyền sử dụng hành động quân sự để thực thi các nghị quyết của mình hoặc tái thiết lập hòa bình tại nơi đang có xung đột vũ trang. Hội đồng bao gồm 15 quốc gia thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực - Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc. Việc sử dụng sức mạnh quân sự chỉ được thông qua khi cả 5 quốc gia này cùng bỏ phiếu thuận.
Chính quyền Bush đang kêu gọi Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết cứng rắn tương tự như nghị quyết ngày 29/11/1990. Thời điểm đó, Iraq vừa đem quân vào Kuwait, và với bản nghị quyết của mình, Hội đồng Bảo an cho phép các nước thành viên LHQ "sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết" để xử lý nếu sau ngày 15/1/1991, Iraq vẫn không rút quân. Kết cục là chiến tranh vùng Vịnh đã bùng nổ.
Hiện nay, Bush (con) rất mong được sự ủng hộ của quốc tế tương tự như đối với cha ông 11 năm về trước. Tuy nhiên, các quan chức trong chính quyền Washington cũng nói rằng Mỹ, cụ thể là Tổng thống Mỹ, được quyền hành động đơn phương để bảo vệ các lợi ích của quốc gia. Vì thế, trong một diễn văn đọc trước Hội đồng Bảo an, ông Bush đã tuyên bố, nếu LHQ không sẵn sàng, Mỹ sẽ đơn phương tấn công Iraq. Nghị quyết vừa được thông qua ở hạ viện cũng nêu rõ, chính quyền Bush được phép sử dụng vũ lực nếu tổng thống thấy cần thiết, không cần chờ LHQ hành động.
T.D.K.