Tôi là người hay đi đường ở Hà Nội vì đặc thù công việc bằng xe máy, chính điều này đã giúp tôi đúc kết ra kinh nghiệm để tránh tắc đường. Bài học của tôi đã rút ra từ rất nhiều lần đi vào đường tắt nhỏ hẹp, hay là ngồi sau lưng mấy bác xe ôm.
Tôi có lần bảo các bác đi từ Bắc Cầu (phố ở ngã 3 sông) quận Long Biên đi cầu Vĩnh Tuy. Các bác cứ đi dọc đường đê vì cho rằng đường đê không có đèn tín hiệu nên sẽ không tắc, đi phố Hồng Tiến kéo dài rất tắc.
Tôi rất bực mình vì đường đê rất đông, do không có đèn giao thông nên các xe chen ngang lên đê dẫn đến tắc đường. Trong khi phố Hồng Tiến tuy có đèn nhưng có thể đi 50 - 60 km/h.
Chưa kể đường đê rất hẹp nên việc vượt xe là rất khó. Hay đi từ phía Vũ Phạm Hàm đi Ba La (Hà Đông), nhiều người chọn đường Nguyễn Ngọc Vũ rồi vào Quan Nhân để ra Nguyễn Trãi cho gần.
Nhưng than ôi, phố đó rất hẹp, chưa kể cầu Cống Mọc dọc đó đi rất lộn xộn. Tôi bảo ông xe ôm là sao không đi đường Láng cho nó dễ thoát. Các bác xe ôm nói là đường đó xa. Nghe đến đây tôi cạn lời luôn.
Nếu muốn nhanh, quý vị nên nhớ là quan trọng nhất không phải quãng đường mà là thời gian. Tôi thà đi vòng xa hơn chục km mà chỉ mất 20 phút còn hơn là đi 5 km mà mất cả tiếng.
Thời gian chờ tháo gỡ tắc đường đã tốn kha khá nhiên liệu. Thời nay đã có Google Maps, dù biết đường tôi vẫn bật lộ trình mong muốn lên xem đường nào tối ưu và kiểm tra lại.
Phải đi đường to, có điều tiết rõ ràng, hạn chế đi đường bé nếu không có nhu cầu dù là xe máy. Hạn chế rẽ nhánh nhiều để tránh phải đi vòng vèo, ức chế hơn.
Bên cạnh đó cần hạn chế bấm còi. Còi sinh ra để cảnh báo chứ không phải để còi dẹp đường. Tắc đường cùng chịu, không ai muốn đứng im cả. Thà nhiều đèn đỏ nhưng chỉ mất nửa tiếng còn hơn đứng im một chỗ cả tiếng. Thà đi vòng còn hơn đi tắt nhưng đứng im.
An Thái