Một buổi chiều tháng Chạp, cơn gió heo may bỗng ùa về. Mẹ ngẩng đầu lên bảo: "Gió Tết đấy". Tôi cũng đã nhận ra cơn gió Tết đấy từ lúc nhỏ, không rõ là từ bao giờ.
Trên đường quốc lộ, từng chiếc xe lôi chất đầy cải xanh được đưa ra chợ để bán làm dưa ăn Tết. Sau cải xanh là những chiếc xe lôi chở đầy cà kiệu tươi. Cái Tết đến từ từ, cũng như chiếc ghe ngang dòng Cổ Chiên chở đầy hoa Tết từ cù lao sang thị xã. Chợ Tết ở quê đủ mọi sắc màu, cũng như đủ mọi loại hoa của nhà vườn miền Tây sông nước.
Tôi hay đi chợ hoa từ sớm. Các loại hoa để được lâu luôn đến chợ trước nhất. Chúng là những gốc mai kiểng và những cây bon sai. Dạo ấy tôi còn trẻ nên những thứ hoa kiểng đó không làm tôi hứng thú. Ba tôi lại hay đi chợ hoa sớm để ngắm nhìn những gốc kiểng đắt giá. Chỉ là ngắm thôi, vì mỗi chậu mai thế giá hai trăm nghìn là quá đắt so với chậu hồng nở rộ giá năm nghìn.
Chợ dưa hấu cũng họp từ rất sớm. Từng đống dưa hấu được xếp đầy cạnh một con đường. Dưa hấu xanh và dưa hấu vàng chen nhau dài cả cây số. Tôi cũng mua dưa, trái nhỏ thôi, và đem về để cả nhà cùng ăn tráng miệng sau bữa cơm tháng Chạp. Thường thì trái dưa hấu đầu tiên của mùa Tết, chị em tôi lại thay nhau ăn đến khi chỉ còn cái vỏ trắng hếu mà thôi.
Đến rằm tháng Chạp thì chợ Tết thực sự đã bắt đầu. Những gian hàng dán giấy đỏ đầy bánh mứt hạt dưa chen chân nhau. Tôi hay đòi mẹ mua hạt dưa trước hết, dù món hạt dưa chỉ khiến nhà cửa đầy vỏ. Mẹ tôi chỉ mua những món mứt khó làm như mứt hạt sen, mứt mãng cầu, hay mứt gừng. Còn mứt dừa, mứt chùm ruột, mứt chuối thì làm ở nhà được tất.
Việc sắm Tết cứ thế lai rai suốt cả nửa tháng Chạp cuối năm. Ở trường, việc học cũng ít đi và bọn học sinh chúng tôi hay được về sớm. Đó là dịp cho chúng tôi dắt nhau ra chợ hoa ngắm cho vui. Chúng tôi hay bày trò gọi tên hoa, để xem ai biết được nhiều loại hoa nhất. Các chủ hàng hoa nhìn bọn học sinh chỉ đi ngắm hoa chứ chẳng bao giờ mua mà lắc đầu cười.
Mâm ngũ quả ngày Tết cũng là điều mà ai cũng phải chăm chút. Người miền Tây hay chưng mãng cầu, đu đủ, dừa, xoài, và sung để làm thành câu "cầu vừa đủ xài sung túc". Nhà tôi không phải bao giờ cũng chưng đủ các loại quả đó, nhưng cũng kiêng vài thứ quả, như kiêng chưng chuối vì sợ "chúi lủi", hay sợ con em trong nhà "trượt vỏ chuối", và kiêng chưng cam vì sợ "cam chịu".
Những quả "Tây" như lê, táo, ít được chuộng trong ngày Tết. Dưa hấu và bưởi thì được dán giấy đỏ rồi mới chưng trên bàn thờ. Đặc biệt ở quê tôi, phải tìm được bưởi năm roi thì mới ngon.
Rồi ngày Tết đến. Sau bữa cơm cúng rước ông bà, cả nhà tôi quây quần bên mâm cơm gạo thơm để tiễn đưa năm cũ. Mùi bánh tét, mùi trầm hương và mùi hoa quyện vào nhau khiến cho hương vị Tết càng đậm đà. Cái mùi hương ngày Tết ấy, bao nhiêu năm đi xa tôi mới nghiệm ra rằng chỉ có ở quê nhà mới có được.
Ở miền Nam California, thời tiết cuối tháng một đầu tháng hai không lạnh lắm. Những cơn gió Santa Ana thổi từ sa mạc về đem cái hanh khô, nhưng chưa bao giờ mang tới chút mùi vị Tết.
Dấu hiệu đầu tiên của cái Tết bao giờ cũng là gian hàng Tết trong khu siêu thị của người Việt. Các món mứt Tết, bánh kẹo ngày Tết được bày bán trước tiên. Có cả "thèo lèo cứt chuột", cái tên buồn cười của món kẹo đậu phộng và hạt đậu phộng bọc đường nhuộm hồng. Khẩu vị người miền Nam vốn ưa ngọt nên những món ngọt đậm như thế rất đắt hàng.
Hoa mai là một thứ xa xỉ phẩm, cho dù là California nắng ấm bậc nhất nước Mỹ. Hoa đào thì khả dĩ có thể tìm được. Tôi đã từ lâu không mua hoa mai, vì rất đắt và chỉ vài hôm là rụng cả.
Bánh chưng bánh tét vốn không thiếu ở California. Cái đáng nói là lá chuối để gói đều được đóng gói, đông lạnh và nhập khẩu từ Việt Nam. Khéo ra trong một đòn bánh tét, phần tốn kém nhất chính là lá gói.
Có một lần tôi đi chợ Tết tại một siêu thị Việt Nam thuộc hàng lớn nhất nơi tôi sống. Tiếng nhạc xuân vang lên cạnh bên một khu chợ hoa thu nhỏ, một đống dưa hấu, và một gian hàng bánh kẹo bánh tét. Nhỏ bạn Tây bảo rằng sao có vẻ lễ hội ra phết.
Tôi thì nhớ lại một câu văn trong "Những cánh đồng bất tận". Tác giả so sánh cái xô đã hư được dùng làm chậu trồng hành, theo phép ước dụ thì cũng là một mảnh vườn cho kẻ sống đời lênh đênh sông nước. Khu chợ Tết ở siêu thị Việt Nam kia cũng vậy, với tôi nó cũng chỉ là phép ước dụ cho cái Tết Việt Nam.
Có năm tôi chịu khó lái xe vài giờ để đi chợ Tết ở Little Saigon. Người Việt ở quận Cam vốn đông nên khu chợ Tết ở trước thương xá Phước Lộc Thọ khá sầm uất. Ngoài những món hàng Tết thì đủ món ăn của người Việt cũng được bày bán. Tôi bước ngang một quầy trái cây và bị níu chân bởi một hộp... chôm chôm.
Mùa chôm chôm ở quê tôi vào mùa hạ. Mỗi mùa chôm chôm, những chiếc ghe ngang dòng Cổ Chiên xếp đầy chôm chôm đỏ rực, tới nỗi nhìn vào chỉ thấy mỗi chôm chôm, trôi trong dòng nước rồi ghé vào bến cho thương lái. Hộp chôm chôm xa xứ kia đã hơi úa, mà đỏ sậm do chín lâu, và có giá 7 đôla cho một pound, tức là độ 15 đôla cho một ký.
Đối với tôi, người vốn quen mua chôm chôm bằng ... cần xé, thì hộp chôm chôm ngày Tết chỉ khiến tôi nhớ nhà da diết. Tôi vội bước đi để che giấu đôi mắt đã đỏ hoe, khiến chị bán hàng ngơ ngẩn nhìn theo vì bán hụt.
Vậy đó, cái Tết xa xứ rốt cục lại thì chỉ là một phép ước dụ cho cái Tết của ngày xưa. Người ta sinh ra ai cũng có quê hương. Cái Tết này tôi lại không về, nhưng cũng đành chịu khó ăn bánh tét với củ kiệu để cho vơi nỗi nhớ nhà.
Cuộc thi "Xuân Bốn phương" do VnExpress phối hợp với nhà tài trợ Lenovo tổ chức từ ngày 9/2 đến 8/3/2015. Các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài có thể gửi bài dự thi để chia sẻ cảm xúc về mùa xuân, cảm nhận Tết Việt xa quê hương và cách đón Tết của cộng đồng ở các nước khác nhau. Bài dự thi được thể hiện dưới dạng bài viết, thơ, nhạc, ảnh, video, kèm chú thích bằng tiếng Việt có dấu. Có 4 giải tuần dành cho 4 bài dự thi nhận được lượng "Like" nhiều nhất trong từng tuần. Hai giải chung cuộc dành cho bài dự thi nhận được lượng "Like" nhiều nhất sau 4 tuần và bài dự thi xuất sắc do Ban giám khảo lựa chọn. Chi tiết thể lệ và giải thưởng. Gửi bài dự thi tại đây. |
Khánh Huỳnh