"Điểm thay đổi dễ nhận thấy nhất trên iPhone X là trình kích hoạt Siri đã được rời về nút nguồn, khiến thói quen bật trợ lý ảo bằng nút Home thay đổi", Chaim Gartenberg của The Verge, đánh giá.
Theo biên tập viên này, nút nguồn là "sự phản ánh tinh tế" xu hướng công nghệ trên smartphone. Khi điện thoại thông minh lần đầu tiên xuất hiện, gần như mọi điện thoại đều đặt phím bấm này trên đỉnh thiết bị. Tuy nhiên, khi kích thước màn hình tăng lên, tầm với ngón tay bị hạn chế đã buộc nhà sản xuất dời sang cạnh phải hoặc trái.
Nhưng màn hình lớn khiến nút Home dần "tuyệt chủng". Lúc này, các nhà sản xuất smartphone buộc phải có một số thay đổi lớn về nút nguồn, bằng cách chọn tích hợp nó vào cảm biến vân tay và đặt ở vị trí thuận lợi hơn để bấm, chẳng hạn mặt lưng hoặc giữa cạnh bên.
Apple cũng không nằm ngoài xu hướng này. Trên iPhone X, hãng đã có hai thay đổi: tăng kích thước nút nguồn lên gấp đôi nhằm giúp người dùng dễ bấm hơn và giữ nút này để kích hoạt trợ lý ảo Siri. Dựa trên thói quen sử dụng, cả hai sự thay đổi này đều được đánh giá là ý nghĩa và hợp lý.
Tất nhiên, những tính năng trên về cơ bản là phụ, bởi nhiệm vụ chính của nó vẫn là bật và tắt điện thoại. Khi được thêm một chức năng nào đó chưa có trước đây, nó có thể khiến người dùng bực bội, bởi họ có thể chưa quen và bấm nhầm bất cứ lúc nào.
Thực tế, không ít hãng đang bắt chước cách làm của Apple trên iPhone X. Chẳng hạn, Samsung bỏ nút nguồn Galaxy Note10 ở cạnh phải và tích hợp nó vào nút trợ lý ảo Bixby, hay một số model của OnePlus có nút nguồn tùy chỉnh để khởi chạy Assistant chỉ bằng một cú nhấn.
"Smartphone ngày càng giảm số lượng nút bấm vật lý. Tôi cho rằng, điện thoại thông minh sẽ tiếp tục có thiết kế ngày càng sáng tạo và mới mẻ, nhưng nút nguồn sẽ không biến mất mà tiếp tục thay đổi theo thời gian bởi đây là phần cứng cần thiết", Gartenberg nhận định.
Bảo Lâm (theo The Verge)