Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM từ đầu tháng 8, thở máy kéo dài 51 ngày, can thiệp EMCO 38 ngày. Khoảng nửa tháng nay, tình trạng ho ra máu qua mở khí quản diễn ra liên tục. Kết quả nội soi phế quản ghi nhận máu chảy từ phổi bên phải.
Tình trạng ho ra máu không đáp ứng điều trị nội khoa và nguy cơ tử vong cao. Kíp điều trị của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã hội chẩn cùng Bệnh viện Chợ Rẫy, quyết định chuyển viện ngày 4/10 để điều trị can thiệp nội mạch cho bệnh nhân.
Phó giáo sư Lê Văn Phước, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết lần đầu can thiệp nút mạch cấp cứu trên F0 nặng bị ho ra máu, ê kíp chuẩn bị đầy đủ các bước kiểm soát nhiễm khuẩn, đồ phòng hộ, đảm bảo an toàn, nhanh chóng can thiệp khi bệnh nhân vừa được chuyển đến.
Kết quả chụp mạch DSA ghi nhận hình ảnh tăng sinh mạch từ nhánh động mạch phế quản bên phải, tương ứng với vị trí xuất huyết trên nội soi phế quản. Nhánh mạch tăng sinh này đã được nút tắc hoàn toàn. Sau can thiệp, hình ảnh chụp lại cho thấy không còn chảy máu. Khi các chỉ số sinh hiệu ổn định, bệnh nhân được chuyển về lại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, tiếp tục điều trị.
Ngày 6/10, bệnh nhân không còn ho ra máu, đã ngừng sử dụng thuốc an thần để bắt đầu hồi tỉnh.
Theo phó giáo sư Phước, trên thế giới, can thiệp nội mạch nút tắc động mạch phế quản đang được xem là lựa chọn ưu tiên hàng đầu để điều trị tình trạng ho ra máu. Mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy can thiệp khoảng 200-300 trường hợp ho ra máu, trong đó có nhiều ca từ các bệnh viện khác chuyển đến.
"Đây là lần đầu kỹ thuật nút mạch được thực hiện trên bệnh nhân Covid-19 bị ho ra máu nặng và đã có kết quả khả quan, mang lại nhiều cơ hội cứu sống F0 không may bị tình trạng này", phó giáo sư Phước chia sẻ.
Ho ra máu là cấp cứu thường gặp trong nhiều bệnh lý như giãn phế quản, lao, ung thư... Nếu không kịp xử lý, ho ra máu nặng có tỷ lệ tử vong lên đến 50-75%. Ở bệnh nhân nhiễm Covid-19, ho ra máu rất ít gặp, ước tính chỉ vào khoảng 3%, nguy cơ biến chứng và tử vong cao hơn, đặc biệt là ở những bệnh nhân sử dụng kháng đông kéo dài.
Theo phó giáo sư Phước, với những bệnh nhân này, việc điều trị nội khoa bảo tồn có thể dẫn đến thất bại. Khi ấy, nếu phẫu thuật trong tình trạng bệnh nhân suy hô hấp, thở máy vì nhiễm Covid-19, tỷ lệ tử vong rất cao. Vì vậy, can thiệp nút mạch được xem là chỉ định phù hợp nhất cho bệnh nhân.