21h ngày 8/9, đầu dây bên kia vang lên giọng nam trẻ tuổi. "Chắc là con trai bệnh nhân", bác sĩ An nghĩ. Giọng gấp gáp, người gọi cho biết bố anh ngoài 50 tuổi, đang khó thở. Gia đình đã cố tiếp cận các cơ quan y tế địa phương nhưng do quá tải nên chưa bên nào hỗ trợ được.
Đánh giá người bệnh nguy cơ suy hô hấp nặng nhưng nhà không có máy đo SpO2 để kiểm tra, bác sĩ An hướng dẫn người con trai cách cho bệnh nhân thở để khắc phục phần nào tình trạng khó thở. Cách thức là mím môi và hít vào bằng mũi trong hai nhịp, giữ 3-5 giây, chúm môi như đang thổi sáo rồi thở ra từ từ bằng miệng trong 4 nhịp để tập thở. Cùng lúc, bác sĩ thúc giục gia đình tiếp tục gọi y tế địa phương, còn bản thân cô lập tức gửi thông tin cho trưởng nhóm bác sĩ tư vấn từ xa, yêu cầu trong thời gian ngắn nhất phải kết nối được với y tế địa phương để cấp cứu người bệnh.
"Tuy nhiên do tình hình quá tải bệnh nhân, bộ phận cấp cứu 115 tiếp nhận thông tin nhưng chưa thể cử đội y tế đến nhà bệnh nhân ngay tức thì", An nói.
Nhấc máy gọi lại cho con trai người bệnh, bác sĩ Thái An được báo là gia đình đang cố gắng giúp bệnh nhân cầm cự bằng cách thở nhờ bình oxy, chờ cấp cứu đến. May mắn, hơn 30 phút thở oxy, bệnh nhân đỡ khó thở hơn. Tuy nhiên, bác sĩ An vẫn liên tục cập nhật từ xa tình trạng bệnh nhân và tìm kiếm liên lạc từ trung tâm y tế hoặc các số cấp cứu để hỗ trợ gia đình.
Khoảng hai tiếng sau, điện thoại cô nhận được tin nhắn báo bệnh nhân đang nhập viện dã chiến. "Tôi mừng lắm, dù chẳng giúp được nhiều nhưng thật nhẹ nhõm khi bệnh nhân nhập viện", An chia sẻ.
Bác sĩ Thái An tham gia đội ngũ y bác sĩ Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành, tư vấn từ xa cho F0 tại nhà. Công việc hàng ngày của họ là chủ động gọi điện đến các gia đình F0, phân tầng nguy cơ và tư vấn y tế từ xa để hỗ trợ. Khoảng 1.700 trường hợp nặng (được đánh giá ở nguy cơ 3 và 4) đã được các thầy thuốc giúp đỡ, kịp thời đến viện. Mạng lưới với hơn 8.000 y bác sĩ và tình nguyện viên từ khắp mọi miền đất nước đã chăm sóc y tế từ xa và sàng lọc được gần 200.000 trường hợp F0 ở TP HCM, Bình Dương và Hà Nội.
Tư vấn chăm sóc, sàng lọc cho bệnh nhân, hỗ trợ người bệnh cách thở, chăm sóc dinh dưỡng... là những tình huống mà các y bác sĩ trong mạng lưới nhận được mỗi ngày, bất kể ngày hay đêm. Ngoài ra còn có nhiều trường hợp khó thở, không có máy đo SpO2, thiếu bình Oxy được các bác sĩ xử lý nhưng không nhiều.
Từ ngày tham gia mạng lưới, bác sĩ Nguyễn Văn Chánh đã nhiều đêm không ngủ, "chực chờ giữ máy để liên lạc với bệnh nhân". Anh kể về trường hợp đêm 10/8, gia đình có ba người gồm hai vợ chồng và con trai 20 tuổi. Người chồng đã mất vì Covid-19, vợ và con trai đều là F0. Khi gọi điện đến mạng lưới, người con hoảng loạn vì mẹ đang diễn tiến nặng, khó thở và tiêu chảy đã hai ngày không thể cầm.
Bác sĩ Chánh hướng dẫn hai mẹ con tập thở và tìm cách liên lạc với chương trình ATM Oxy cùng y tế địa phương để hỗ trợ. Bệnh nhân này may mắn được mượn bình oxy miễn phí nên được bác sĩ tư vấn cách thở, theo dõi và chăm sóc tại nhà.
"Cả đêm đó tôi thức trắng, nghĩ lỡ có chuyện không may, bạn trẻ đó sẽ mồ côi. Suốt đêm, tôi động viên người nhà, yêu cầu theo dõi sát các các dấu hiệu bệnh nhân", anh nói.
Một F0 khác ngoài 80 tuổi, không thể ăn, sốt nhẹ, ho, mất vị giác, nhà không có các thiết bị kiểm tra như máy đo huyết áp, SpO2. Bác sĩ Chánh hướng dẫn bệnh nhân tự đếm nhịp thở, ban đầu 33 lần/phút, đồng thời tra danh bạ, gọi y tế. Sau khi nhân viên y tế đến nhà, xác định chỉ số SpO2 chỉ còn 64%, huyết áp 120/90 mmHg, bệnh nhân được chuyển cấp cứu ngay.
"Mọi thao tác nhanh, kịp thời và phải có oxy sớm thì mạng sống của F0 nguy kịch mới được bảo toàn", bác sĩ Chánh chia sẻ. Hai ngày tiếp theo, anh vẫn giữ liên lạc và theo dõi sức khỏe bệnh nhân cho đến khi ông cai được máy thở oxy, có thể ăn uống và hồi phục.
Theo bác sĩ Chánh, thông thường, các bác sĩ, tình nguyện viên gọi điện tư vấn, hỏi thăm sức khỏe F0 hàng ngày. Mỗi lần liên lạc, bác sĩ đều yêu cầu người nhà cung cấp các chỉ số SpO2, huyết áp... để theo dõi bệnh nhân. Nhà người bệnh không có thiết bị, khi cần thiết, các bác sĩ nhờ trợ giúp từ y tế địa phương để kiểm tra sức khỏe hiện tại của bệnh nhân. Với các ca F0 tại nhà trở nặng, không có các trang thiết bị thiết yếu, bác sĩ liên hệ y tế địa phương hỗ trợ ngay.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ trực tuyến khó khăn hơn nhiều so với thăm khám trực tiếp. Các y bác sĩ chỉ đánh giá tình trạng bệnh nhân qua lời kể hoặc kết nối telehealth trực tuyến để kiểm tra chính xác hơn tình trạng bệnh. Do đó, trước khi tham gia tư vấn, các y bác sĩ phải trải qua các buổi tập huấn trực tuyến, các bài kiểm tra, đủ điều kiện mới bắt tay vào việc.
Ngoài tư vấn chuyên môn, các bác sĩ cũng động viên, hướng dẫn bệnh nhân về chế độ dinh dưỡng, cách ăn uống, quan tâm đến giấc ngủ và chế độ luyện tập...
Bệnh nhân nữ, 64 tuổi, tự cách ly ở nhà riêng đã được 5 ngày và không có người nhà ở bên cạnh để gọi đến tổng đài. "Tiếng khóc nấc vang lên bên đầu dây kia, tôi nghẹn ngào", bác sĩ Nguyễn Phương, người tiếp nhận cuộc gọi, kể lại. "Người bệnh nói sợ Covid-19 thì ít mà sợ cô đơn thì nhiều, nhiều lúc không biết tâm sự với ai".
Từ ngày tham gia Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành, bác sĩ Phương nhận ra bệnh nhân Covid-19 luôn cần trấn an và động viên tinh thần để giảm nguy cơ trở nặng. Nhiều F0 chỉ mong có người trò chuyện để vượt qua bệnh tật.
Hơn một tháng hoạt động, mạng lưới thực hiện hơn hai triệu phút gọi để phân tầng, sàng lọc, tư vấn y tế cho các F0 và F1 nguy cơ cao và kịp thời hỗ trợ bệnh nhân nặng, liên hệ y tế địa phương để đưa bệnh nhân tới bệnh viện.
Để liên hệ, người dân ở TPHCM có thể gọi đến tổng đài 1022 - nhánh 4; Bình Dương 0274 1022; Hà Nội 024 1022 - nhánh 3 trong ba khung giờ 9:00 - 11:00, 15:00 - 17:00, 19:00 - 21:00.
"Diễn biến dịch không lường trước, tôi hy vọng công việc này có thể phần nào chia lửa cho tuyến đầu, hạn chế ca bệnh nặng và giảm trường hợp tử vong", bác sĩ An tâm sự rồi cúp máy, nói có người bệnh khác đang chờ.
Thùy An