Đó là cuộc họp đầu tuần tại trụ sở văn phòng đại diện EMC Việt Nam, tầng 14, toà nhà IPH, đường Xuân Thuỷ, Hà Nội. Tôi lúc đó đang là trưởng nhóm tư vấn công nghệ tại Việt Nam của công ty hàng đầu thế giới về hệ thống lưu trữ này.
Vị sếp lớn trấn an rằng tin đồn này có từ lâu, "việc đó gần như không thể xảy ra", anh nói, "cá bé không thể nuốt cá lớn được".
Gọi là cá bé vì khi đó Dell là công ty tư nhân, giá trị ước tính khoảng 24 tỷ USD. Trong khi đó, EMC có vốn hoá thị trường ước tính 35 tỷ USD, chưa kể EMC còn sở hữu khoảng 80% cổ phần của Vmware, một tên tuổi về ảo hoá hạ tầng công nghệ thông tin thị giá tương đương 23 tỷ USD nữa.
Tối hôm đó, tức đầu giờ sáng bên Mỹ, hai công ty chính thức thông báo về thương vụ sáp nhập lớn nhất lịch sử ngành công nghệ giữa Dell và EMC với giá 67 tỷ USD. Thương vụ khiến các báo quốc tế giật tít "giới công nghệ ngã ngửa". Hàng trăm dòng trạng thái trên Twitter và Facebook không tin "nuốt cá lớn" lại trở thành sự thực.
Hàng loạt bài viết sau đó bày tỏ quan ngại về số nợ khổng lồ 48,6 tỷ USD mà Michael Dell - ông chủ hãng máy tính Dell - và cộng sự phải gánh. Ở tuổi 50, tóc bạc nửa đầu, Michael Dell liệu có tìm ra được lời hóa giải cho số nợ khủng?
31 năm trước, cậu sinh viên năm nhất 19 tuổi Michael Dell đã khởi nghiệp lập lên hãng Dell trong căn phòng ký túc xá đại học Texas với 1.000 USD. Chỉ bốn năm sau, kỹ sư đón sinh nhật thứ 23 với tư cách tỷ phú trẻ nhất trong danh sách lãnh đạo các công ty Fortune 500, tạo ra đế chế mới trên thị trường máy tính. Năm 2001, Dell vượt mặt Compaq để trở thành thương hiệu máy tính lớn nhất thế giới.
Làn sóng công nghệ đã nhanh chóng đẩy doanh nhân trẻ vượt qua các tỷ phú khác để trở thành người giàu thứ tư nước Mỹ khi mới tuổi 40 trong thời hoàng kim của máy tính cá nhân. Năm 2004, Michael Dell chuyển giao quyền điều hành công ty để theo đuổi mục tiêu riêng.
Những năm sau đó, thị trường máy tính cá nhân trở nên bão hoà, Internet đã tạo ra nhiều hãng công nghệ mới có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn như Amazon (1994), Google (1998), Salesforce (1999), Facebook (2004). Cuối năm 2006, Dell tuột tay danh hiệu nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới cho đối thủ HP. Đây là lý do thôi thúc để năm 2007, Michael Dell trở lại cương vị CEO dẫn dắt Dell trong cuộc suy thoái trên thị trường thiết bị cá nhân. 2007 cũng là năm mở đầu thời kỳ đại suy thoái kinh tế thế giới 2007 - 2009.
Năm 2011, Michael Dell chỉ còn sở hữu 12% cổ phần trong chính công ty mình sáng lập. Các nhà đầu tư không còn mặn mà với phần cứng nữa mà chạy theo hơi thở của thời đại là phần mềm, di động và điện toán đám mây.
Trong nỗ lực cứu lấy đứa con tinh thần của mình, năm 2013, Michael Dell đã hợp sức với Silver Lake Partner, công ty đầu tư công nghệ có trụ sở ở California cùng khoản vay từ Microsoft để gom toàn bộ cổ phiếu Dell trên thị trường chứng khoán, biến Dell thành công ty tư nhân. Là công ty tư nhân, quyền kiểm soát của ông được tăng cường và có thể theo đuổi những giá trị lâu dài hơn so với việc đáp ứng đòi hỏi ngắn hạn từ các cổ đông phố Wall luôn đói cổ tức.
Hai năm sau, ông đưa ra quyết định mạo hiểm nhất trong đời là mua lại EMC với giá 67 tỷ USD và ôm về khoản nợ lớn. Dù Michael Dell đã thuyết phục thành công các cộng sự và 11 tổ chức tài chính lớn chung tay thực hiện thương vụ, nó bị giới đầu tư đánh giá không khác gì canh bạc đầy rủi ro vì sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn.
Giới công nghệ và học thuật vẫn luôn dõi theo thương vụ sáp nhập có một không hai này trong hơn sáu năm qua. Tôi đọc nhiều bài phân tích và thấy chưa ai thực sự tin tưởng vào một kết thúc có hậu.
Cho đến sáng 1/11 vừa qua, Dell đã ra thông báo hoàn tất việc tách Vmware ra khỏi Dell Technologies để trở thành công ty phần mềm độc lập với thị giá khoảng 64 tỷ USD. Phần còn lại của Dell có giá trị ước tính 33 tỷ USD.
Khi nghe tin này, dù không còn là nhân viên công ty nữa nhưng tôi vẫn rất phấn chấn. Tháng 5/2018, khi là giám đốc công nghệ (Field CTO), tôi được tới Las Vegas tham dự hội nghị toàn cầu của Dell. Đứng cách Michael Dell vài mét, trong hội trường lớn của The Venetian Resort Las Vegas, tôi tiếp nhận được đam mê và lập luận xác đáng khi ông nói về thế giới tương lai và vai trò của Dell Technologies trong tầm nhìn đó. Tôi đã hoàn toàn tin quyết định hợp nhất Dell và EMC của ông là đúng đắn. Vấn đề chỉ là thời gian.
Sau một loạt động tác mua bán, sáp nhập, chia tách rất phức tạp, Dell Technologies đã trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều so với sáu năm trước. Chỉ năm năm, tài sản của Michael Dell đã tăng từ 19,8 tỷ (2016) lên 55,1 tỷ (2021) USD, gần gấp ba lần. Thương vụ chia tách Vmware khỏi Dell Technlogies sau đó đã dập tắt mọi nghi ngờ, khiến giới đầu tư thực sự ngả mũ trước Michael Dell.
Mua bán và sáp nhập (M&A) là chiến lược được nhiều doanh nghiệp sử dụng để nhanh chóng mở rộng thị phần, tăng trưởng doanh thu hay hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm.
Thông thường, một doanh nghiệp lớn sẽ mua doanh nghiệp nhỏ khác. Doanh nghiệp nhỏ sau khi bị thâu tóm sẽ dần biến thành một bộ phận trong doanh nghiệp lớn. Rất ít trường hợp doanh nghiệp nhỏ thực hiện chiến lược M&A với công ty lớn hơn vì nhiều rào cản. Vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử công nghệ thế giới giữa Dell và EMC minh chứng cho trường hợp "nuốt cá lớn" hiếm hoi thành công.
Kinh tế thế giới đang trải qua giai đoạn suy thoái mới do thảm hoạ Covid-19. Nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang lâm vào khó khăn. Nhiều doanh nhân cũng đang đau đầu nghĩ cách vực lại đứa con tinh thần của mình như Michael ngày nào. Có thể không ít trong số họ đang phải đối mặt với lựa chọn tồn tại hay bỏ cuộc, có nên tham gia M&A để đưa công ty thoát khỏi quán tính lùi.
"Nếu bạn muốn thay đổi, sáng tạo, làm những thứ mới thì bạn phải ôm lấy rủi ro", Michael Dell từng nói. Sự khác nhau giữa kinh doanh, đầu tư và đánh bạc là bạn có thể hành động bằng trí tuệ và tầm nhìn để thay đổi kết quả.
Tôi kể lại câu chuyện trên theo quan sát của một nhân viên công ty trong quá trình đó để góp thêm một góc nhìn giúp nhà kinh doanh vực dậy cảm hứng chèo chống công ty. Mọi con diều chỉ có thể bay cao nhờ ngược gió.
Lê Văn Thành