Lúc này, Trần Tiểu Phong ở thị trấn Tiết Tập, thành phố Lão Hà Khẩu, tỉnh Hồ Bắc, phát hiện đây là người câm điếc đi lạc nên đưa người đàn ông về nhà, chờ tìm người thân.
Ở được vài ngày, bắp chân của người đàn ông lạ xuất hiện những vết thương, gây lở loét, chữa đi chữa lại cả tháng mới khỏi. Tiếp đó, ông ốm thêm vài trận, mỗi lần nằm viện cũng hàng chục ngày, gia đình Trần lại thay nhau chăm sóc. Vì người lạ không có giấy tờ tùy thân và bảo hiểm y tế nên tất cả chi phí anh đều phải trả.
Thời điểm đó, lương tháng của Trần là 2.000 tệ (7,6 triệu đồng), đang ở ký túc xá của công ty. Vì có thêm người trong nhà nên anh phải đi đi về về bằng xe máy, mỗi ngày vượt hơn 60km.
Dân làng thấy Trần còn trẻ, lại nuôi người dưng nên khuyên anh suy nghĩ lại. "Không thể bỏ mặc bởi ông ấy khuyết tật. Đuổi đi, nhỡ ông ấy làm sao tôi lại ân hận cả đời", anh nói.
Thời điểm mới đưa người đàn ông câm điếc về nhà, vợ Trần đang làm việc ở Thượng Hải, không biết việc làm của chồng. Khi nghe tin anh tiêu hết tiền gửi về nuôi con, cô tra hỏi Trần mới dám nói sự thật. Ngày Tết về nhà, thấy người đàn ông câm điếc hiểu lễ nghĩa, giúp bố mẹ trồng rau, dọn dẹp nhà cửa, người vợ mới nguôi ngoai, đồng ý cho ông ở lại nhà mình.
Không nghe không nói được nhưng người đàn ông câm điếc thường viết hai chữ "Đỗ" và "Giang" và thêm chữ Tứ Xuyên lên nền đất. Trần đến đồn cảnh sát trình báo vụ việc, cố gắng tìm hiểu xem người này có phải đến từ Tứ Xuyên không, nhưng nhiều năm không có manh mối. Khi bị hỏi quá nhiều về bản thân, người đàn ông câm điếc thường bị kích động, liên tục đấm vào đầu. Từ đó, Trần không hỏi thêm gì nữa.
Đầu tháng 11 năm nay, thấy mọi người đều đã tiêm vắc xin Covid-19, Trần cũng muốn người đàn ông câm điếc được tiêm. Vì ông không có danh tính, chứng minh thư, nên anh lại nảy ý định tìm người thân cho ông.
Ngày 12/11, dưới sự hướng dẫn của cảnh sát và giáo viên cho người câm điếc, người đàn ông đã viết được chữ "Đỗ Hồng Giang" lên tờ giấy. Qua điều tra, cảnh sát phát hiện có một người ở thị trấn Tứ Doanh, thành phố Bạc Đầu, tỉnh Hà Bắc, tên gần giống, cũng mất tích từ lâu. Ngày 15/11, cảnh sát kết nối với các thành viên trong gia đình người mất tích. Vừa nhìn thấy người phụ nữ ở bên kia màn hình, người đàn ông câm điếc đã khuỵu xuống, vừa lạy vừa khóc.
Đến 17/11, các thành viên trong gia đình người đàn ông câm điếc đã vượt gần 1.000 km, có mặt tại nhà Trần Tiểu Phong.
Người này tên thật là Đô Hồng Giang, gần 50 tuổi. Mười hai năm trước ông đạp xe đến thăm bà con, trong người có ít tiền. Mọi người phỏng đoán, có lẽ trên đường gặp cướp, bị hành hung và lấy hết tài sản nên lưu lạc tới tận Hà Bắc.
Người cháu cũng kể rằng, khi đưa chú về nhà, thấy trong balo có nhiều quần áo mới do Trần Tiểu Phong mua, nhưng ông không dám mặc, chỉ treo lên ngắm. Trong bữa cơm chia tay, người đàn ông câm điếc đột nhiên chạy ra ngoài khóc nức nở. Khi lên xe, ông cũng quỳ xuống trước mặt Trần tạ ơn.
"Đã có nhiều việc xảy ra với Đô nên tôi hy vọng ông sẽ sống ổn với gia đình mình", Trần nói.
Vy Trang (Theo Paper)