Những ngày đầu tháng 10, Tân tất bật chăm sóc, kiểm tra lượng oxy, độ PH, nhiệt độ tại trại nuôi lươn gồm 24 bể với 100.000 con từ lúc mới thả giống đến chuẩn bị thu hoạch (12 tháng) ở vùng ven quận Bình Thủy. Đây là trại nuôi lươn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, được chuyển giao kỹ thuật từ Trường Thủy sản, thuộc Đại học Cần Thơ, dưới sự tài trợ của tổ chức JICA (Nhật Bản).
Tân cho biết, 13 năm trước anh bắt đầu khởi nghiệp với nghề nuôi lươn đồng. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, tỷ lệ hao hụt nhiều, nên đã thất bại nhiều lần. "Con giống mua từ lươn đồng do người dân đánh bắt bằng xung điện hay thuốc nên rất yếu. Ngoài ra, tập tính hoang dã của lươn đồng rất cao, khó nuôi dẫn đến thua lỗ", Tân nói.
Không bỏ cuộc, Tân quyết tâm thi vào Khoa Thủy sản (nay là Trường Thủy sản, thuộc Đại học Cần Thơ) và bắt đầu tìm hiểu sâu về quy trình nuôi lươn. Quá trình học, được sự hỗ trợ thầy cô, thanh niên trẻ nghiên cứu cho lươn sinh sản thành công. "Khi mình chủ động được nguồn giống thì tỷ lệ thành công rất cao", anh nói và cho biết khi ra trường từ năm 2014 đã mở rộng dần quy mô nuôi lươn.
Ban đầu, lươn được nuôi theo quy trình truyền thống. Với cách nuôi này, chi phí đầu tư thấp, thả mật độ cao (khoảng 500 con mỗi m2) nhưng phải thay nước nhiều lần trong ngày, môi trường trong bể không ổn định, tốn nhiều công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt vẫn lớn. Năm 2018, được sự hỗ trợ của Đại học Cần Thơ, Tân chuyển sang áp dụng quy trình nuôi lươn tuần hoàn nước, mật độ gần 400 con mỗi m2, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Với mô hình này, bể nuôi được thiết kế kết nối với hệ thống tuần hoàn nước gồm một bể lọc sinh học, một bể lắng chất thải rắn và bể chứa nước. Bên trong, đặt giá thể là dây nylon đen cột thành chùm cho lươn ươm trú ẩn. Khi lươn lớn giá thể được thay thế là lưới che... Đồ ăn cho lươn chủ yếu là thức ăn công nghiệp, độ đạm 43%.
Theo Tân, chi phí đầu tư ban đầu cho quy trình tuần hoàn nước khoảng 40 triệu đồng với toàn bộ trại nuôi. Các thiết bị này có thể sử dụng lâu dài và mang lại lợi ích rất lớn. Nước thải sau khi qua hệ thống xử lý vi sinh có thể tái sử dụng, giúp tiết kiệm nước, góp phần bảo vệ môi trường.
"Môi trường nước trong từng ao nuôi được kiểm soát, ít xáo trộn, lươn nuôi ít bị sốc, phát triển ổn định, tỷ lệ hao hụt ít", Tân nói và cho biết mô hình mới giúp chi phí lao động giảm 2-3 lần so với cách nuôi truyền thống.
Một lợi ích khác là nuôi lươn tuần hoàn nước rất ít sử dụng kháng sinh, hóa chất. Do đó, sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn hơn, bán giá cao hơn nuôi truyền thống 5.000-10.000 đồng mỗi kg. Hiện, trung bình mỗi năm, trại nuôi của Tân xuất bán 4-5 lần, mỗi lần 4-5 tấn lươn thương phẩm với giá 80.000-110.000 đồng mỗi kg (tùy kích cỡ, thời điểm). Sau khi trừ chi phí, thu lãi 500-600 triệu đồng mỗi năm.
Tiến sĩ Đào Minh Hải, Giảng viên Trường Thủy sản, cho biết quy trình nuôi lươn sạch đã và đang thực nghiệm tại trại của đơn vị ở quận Cái Răng và thí điểm đầu tiên tại trại của Tân. "Đến nay, có thể khẳng định việc Tân áp dụng kỹ thuật nuôi theo công nghệ mới này rất hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại miền Tây", tiến sĩ Hải nói.
Trong chuyến khảo sát các dự án do JICA tài trợ cho Đại học Cần Thơ mới đây, ông Tanaka Yuji (Cố vấn trưởng), cho biết sau khi quy trình nuôi lươn sạch bằng công nghệ tuần hoàn nước được đánh giá thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng để người dân áp dụng sản xuất cho ra sản phẩm sạch, chất lượng cao.
"Ngoài thị trường trong nước, lươn nuôi theo quy trình sạch có thể đáp ứng yêu cầu để cung cấp cho các nhà hàng của Nhật Bản, giúp người nuôi lươn miền Tây thu nhập cao hơn...", ông Tanaka Yuji nói.
An Bình