Đầu tháng 3, trên rẫy điều rộng hơn một ha kề rừng Saloun ở xã miền núi Đông Giang, cách TP Phan Thiết hơn 60 km, anh K' Văn Vĩnh, 41 tuổi, người K'ho đang nuôi bán hoang dã hơn 50 con heo đen lớn và nhỏ.
Mỗi sáng, chúng tự ra khỏi chuồng đi ăn rau, cỏ, côn trùng trong khu rẫy, một số chạy lên tận bìa rừng tìm kiếm thức ăn. Heo mẹ và con nhỏ quanh quẩn trong khu chuồng tạm bợ che nắng che mưa. Những con chưa tách bầy, mỗi ngày chúng được cho ăn dặm thêm cháo cám trộn với rau môn và cây chuối.
Theo anh Vĩnh, đồng bào K'ho nơi đây từ xưa đã nuôi giống heo cỏ, thường gọi là heo đen hoặc heo núi. Giống này sinh sản nhanh, sức đề kháng tốt, dễ nuôi. Chúng chủ yếu tự đi kiếm ăn trên rẫy, trên rừng, nên tốn ít chi phí. "Chuối, rau, củ có sẵn trong vườn, mỗi ngày mình chỉ cần mua thêm 30 nghìn cám gạo", anh nói và cho biết nhiều hôm bận việc đồng áng, không cho ăn, đàn heo vẫn sống bình thường.
Chủ đàn heo cho biết, 4 năm trước được mẹ vợ cho một heo con, anh mua thêm hai con của hàng xóm về nuôi cùng. Đến nay, anh đã tạo được đàn heo lớn giúp gia đình có thêm thu nhập. "Tết vừa rồi, nhà tôi xuất bán bớt, kiếm được hơn 60 triệu đồng", anh Vĩnh nói.
Tương tự gia đình anh Vĩnh, tại Đông Giang, nhiều hộ khác cũng duy trì nuôi giống heo đen. Ông Đào Thanh Bình, 54 tuổi, là một trong những người tâm huyết bảo tồn giống heo cỏ ở miền núi này. Đàn hơn 100 con của gia đình ông được thả rong trong vườn cao su kề chân đồi.
"Như heo rừng, chúng thích cỏ non, rau củ mọc tự nhiên và rất khoẻ. Nuôi theo kiểu bán hoang dã, heo chậm lớn nhưng thịt rất ngon, nhiều nạc", ông Bình nói và cho biết mùa nắng ít rau cỏ tự nhiên, ông nấu thêm cháo (cây khoai môn, chuối, bắp, cám) để bổ sung thêm nguồn thức ăn cho chúng.
Theo ông Bình, trước đây người dưới miền xuôi chưa biết giống heo này, nay gần như năm nào họ cũng lên đây tìm mua mang về ăn Tết. Nhận thấy nhu cầu thực phẩm nuôi trồng bằng hữu cơ ngày càng được ưa chuộng, gần đây ông cũng như bà con trong làng gầy giống nhiều hơn để tăng đàn.
Heo đen đẻ một năm hai lứa, mỗi lần 7-8 con. Mỗi năm, ông Bình bán bớt gần 100 con cho dân quanh vùng làm giống với giá 700.000-800.000 đồng một con. Còn heo lớn từ 20 kg trở lên giá 150.000 đồng một kg. Một năm ông thu từ đàn heo khoảng 120 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn và công chăm sóc, lãi chừng 60-70 triệu đồng. "Nguồn thu từ nuôi heo đen cùng vườn cao su, vườn điều, giúp gia đình có kinh tế khá hơn", ông Bình nói.
Năm 2020, heo đen miền núi Bình Thuận (chủ yếu được nuôi ở Đông Giang) được Chính phủ đưa vào danh mục giống vật nuôi có nguồn gen quý hiếm cần được bảo tồn. Đây là giống heo nhỏ, con trưởng thành chỉ đạt 35-40 kg. Chúng có mõm dài, xương nhỏ, bụng xệ; da mỏng, lông thưa màu đen toàn thân, một số con lang trắng 4 chân. Những năm gần đây, chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân bảo tồn và phát huy nguồn giống này.
Ông K' Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Đông Giang, cho biết hiện toàn xã có khoảng 90 hộ duy trì nuôi heo đen gốc bản địa. Nhà nuôi ít khoảng 2-3 cặp; có nhà nuôi nhiều trên 50 con. Bên cạnh trồng cây nông nghiệp, nguồn thu từ nuôi heo đen truyền thống giúp người dân vùng cao này có cuộc sống ổn định.
Ông Tiển kỳ vọng tuyến du lịch biển rừng kết nối Mũi Né - Đông Giang - Đa Mi - Tà Pao đang hình thành, cùng khu di tích rừng Saloun vừa đi vào hoạt động, sẽ giúp đặc sản heo đen miền núi Đông Giang được nhiều người biết đến. Khi đó, đời sống bà con trong xã sẽ ổn định hơn.
Việt Quốc