Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận thời kháng chiến chống Mỹ được khánh thành, đưa vào hoạt động tại xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) ngày 2/2. Khu vực này được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, tán cây che phủ, mát rượi. Để vào đây, người tham quan phải đi trên con đường xuyên rừng hơn 8 km từ khu rẫy của người K’Ho.
Tại khu di tích, chỗ ăn ở, sinh hoạt và làm việc của các lãnh đạo (Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy), cán bộ giúp việc, cơ yếu, cảnh vệ, bộ phận y tế, cấp dưỡng... được phục dựng theo các vị trí cũ. Cùng đó, di tích còn lưu dấu các hầm trú ẩn, lán trại, chòi hội trường, bếp hoàng cầm (khoảng 30 vị trí).
Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, thời chiến tranh ác liệt, căn cứ của Tỉnh ủy địa phương đã phải di chuyển nhiều nơi. Trong đó, rừng Sa Lôn là vị trí được chọn lâu nhất, với 3 lần, trong thời gian 8 năm không liền mạch từ khoảng 1954 đến 1970.
Tại đây đã có 6 vị Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận từng ở, làm việc để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Căn cứ này cũng từng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như: lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969, Đại hội Đảng bộ tỉnh vào tháng 7/1970...
Ý tưởng phục dựng lại khu căn cứ Sa Lôn được lãnh đạo Bình Thuận đưa ra cách đây hơn 10 năm để giáo dục truyền thống cách mạng, nghiên cứu lịch sử. Đầu năm 2021, dự án được khởi công và hoàn thành sau hơn 2 năm.
"Ngoài giáo dục truyền thống, tới đây khu di tích sẽ được khai thác như một sản phẩm du lịch sinh thái núi rừng để phục vụ du khách tham quan", Bí thư Dương Văn An cho biết.
Việt Quốc