Trưa cuối tháng 9, ông Năm Thành (67 tuổi, Vĩnh Hội Đông, An Phú, An Giang) ngồi trên ghe đục (loại ghe có cửa lưới bên hông, nước sông chảy vào được) sốt ruột xem đồng hồ, giục vợ gọi điện cho bạn hàng. Hơn 20 năm làm nghề cân cá, ông bảo chưa năm nào cá "bèo" như năm nay. Như để chứng minh, ông kéo túi lưới dưới khoang, mớ cá linh non gần 10 kg bơi lờ đờ vì kiệt sức do rọng quá lâu.
"Những năm trước, ngày nào tầm 9h sáng là ghe đã nặng khoang, từ 700 kg đến một tấn cá linh là bình thường. Lũ năm ngoái tui mua hơn 40 tấn cá linh, còn năm nay từ đầu mùa tới giờ gom lại chưa được một tấn", lão ngư nói.
Do cá linh khan hiếm nên cũng đắt như tôm tươi. Chiếc ghe đục của ông vừa trở về bến nhà, đã thấy thương lái chờ sẵn. Cá linh được sang tay lại với giá mỗi ký 50.000 –70.000 đồng. Sau đó, thương lái từ Cần Thơ, Vĩnh Long sẽ vận chuyển cá đến các chợ bán lại trên 300.000 đồng mỗi ký.
"Cá linh, cá heo giờ ít lắm rồi. Cá heo người ta còn nuôi được, chứ cá linh nước nôi kiểu này có khi mấy năm nữa trở thành ký ức", ông Năm Thành bảo.
Già Năm không biết rằng, 11 năm trước, cách đó hơn 120 cây số, đã có người nhân nuôi thành công cá linh. Đó là PGS.TS Nguyễn Văn Kiểm, nguyên giảng viên Đại học Cần Thơ, chuyên gia đầu ngành về giống cá nước ngọt.
PGS.TS Nguyễn Văn Kiểm bắt đầu giảng dạy tại Đại học Cần Thơ từ 44 năm trước. Một ngày cuối năm, khi chỉ còn một năm nữa nghỉ hưu, TS Kiểm bất ngờ nhận được "đơn hàng" đặt biệt từ tỉnh An Giang.
"Tôi đã nhân giống tất cả 150 loài cá nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng khi nghe có người yêu cầu nhân giống cá linh vốn rẻ bèo thì khá bất ngờ", TS Kiểm nhớ lại.
Khi đó, một doanh nghiệp chế biến cá ở An Giang muốn nhân nuôi cá linh để làm cá đóng hộp. Tỉnh An Giang vì thế đã "cầu cứu" đến Đại học Cần Thơ.
Ông cùng nhóm học trò sau khi nhận đề tài, nhận định rằng, nếu cho đẻ cùng lúc cá linh chính vụ chỉ có mười mấy hai chục nghìn mỗi ký, thì không có giá trị về kinh tế. Vậy nên, ê kíp bắt tay vào nghiên cứu cho cá đẻ trước và sau mùa lũ. Do lúc nghiên cứu đã qua mùa nước nổi, nên nguồn cá bố mẹ lúc này cũng khan hiếm, kích thước không đồng đều, các kỹ sư phải đem về nuôi thêm. Sau bốn tháng, cá bắt đầu có khả năng đẻ. Lợi thế của cá linh là một ký cá bố mẹ có thể đẻ ra một triệu trứng, nếu tính tỷ lệ sống 10% đã là quá thành công.
Tuy nhiên, sau hai lần liên tiếp cá đẻ, trứng vẫn không nở. Nhóm nghiên cứu tìm ra nguyên nhân, con cá linh sống môi trường nước động đã quen, khi thay đổi việc sinh sản nhân tạo sẽ khó có kết quả. Vậy là từ An Giang, nhiều "đội tìm kiếm" lục tung khắp nơi, nhất là các ao nuôi cá tra vốn còn sót lại những con cá linh sau lũ. Những cặp cá linh bố mẹ vượt hàng trăm cây số được đưa về Cần Thơ. Do lần này cá bố mẹ đã quen môi trường nước tĩnh trong ao, mẻ trứng cuối cùng thành công.
Sau gần hai năm nhân nuôi cá linh, TS Kiểm chuyển giao lại quy trình cho tỉnh An Giang.
Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang khi được nhắc đến dự án này, cho hay, do sau đó doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh, cũng không có thêm đơn hàng nào khác, nên dự án cho cá linh đẻ nghịch mùa vì thế vẫn còn dang dở cho đến nay.
Ông Tuấn bảo rằng, con cá linh nhược điểm là cần nhiều oxy, nên phải tốn nhiều diện tích mặt nước, vì vậy phải nuôi nghịch mùa giá cao mới mong có lời. "Với công nghệ như hiện tại, việc nhân nuôi cá linh không còn là quá khó, vấn đề là cần có đầu ra ổn định", ông Tuấn nói.
Ngoài cá linh, nhiều năm nay, An Giang đã hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân nuôi cá heo - loại cá tự nhiên vùng lũ có giá trị kinh tế khá cao. Toàn tỉnh hiện có 26 hộ nuôi với 67 lồng bè. Hộ nuôi cá heo tập trung nhiều tại huyện An Phú và Châu Phú, năng suất 300 - 400 kg mỗi lồng bè và tổng sản lượng mỗi năm khoảng 20 tấn. Đây là nguồn cung cấp cá heo chủ yếu trên thị trường hiện nay. Ngoài ra, người dân cũng đang thử nghiệm nuôi cá heo trong ao.
Cách TP Long Xuyên 15 km, buổi chiều anh Nguyễn Văn Hữu, 37 tuổi, bơi xuồng quanh ao nuôi 3.000 m2 nằm sát sông Tiền cho cá ăn. Quanh ao, những đoạn ống nhựa to bằng cổ chân, dài một mét được treo thành từng chùm, làm nhà cho cá trú ngụ.
Anh Hữu nuôi cá heo xen cá chạch lấu đã hai năm nay. Do cá heo tự nhiên mùa lũ ngày càng cạn kiệt, nên con giống chủ yếu lấy từ các trại. Nếu thả con giống từ đầu năm, sau 10 đến 12 tháng sẽ thu hoạch. Mỗi m3 mặt nước nuôi được 250 - 300 con. Cá heo nuôi không khó, mỗi ngày cho ăn hai cử bằng thức ăn công nghiệp, chỉ cần nước trong ao phải sạch. Ban ngày, nước ao có tảo tạo oxy, ban đêm, không có oxy nên người nuôi phải chạy thêm cánh quạt.
"Khi đạt trọng lượng khoảng 30 con mỗi ký là thu hoạch được. Bình quân với giá bán hiện nay của cá heo là 320.000 - 350.000 đồng mỗi ký, trừ chi phí người nuôi lãi 170.000 – 220.000 đồng mỗi ký", anh Hữu cho biết.
TS Kiểm nói rằng, mới hơn 10 năm mà mọi thứ giờ thay đổi quá nhiều, giờ chính vụ cũng không có cá linh, nên dự án cho đẻ nhân tạo cá linh tưởng như viển vông trước đây, giờ lại trở nên thời sự.
Ông bảo, 40 năm trước, khi ông vừa từ Hà Nội chuyển công tác về miền Tây, các loại cá như cá cháy, cá mòi sống ven biển, lòng tong đá, lòng tong bay dưới kênh còn nhiều. Bây giờ, chúng gần như đã tuyệt chủng ở môi trường tự nhiên. Các loài cá khác như cá tra sóc, cá hô, cá tra dầu cũng chỉ còn số lượng rất ít. Những con cá ngày xưa vứt đi như cá chốt, giờ giá trị cao, được nhân nuôi thương phẩm.
Mỗi năm, từ bãi đẻ chính nằm ở ngã ba sông Mekong với sông nhánh dẫn vào Biển Hồ Tonlé Sap (Campuchia), trứng cá linh theo con nước trôi xuống xuống hạ nguồn Mekong, vừa trôi vừa nở. Khi cá dài khoảng một cm thì tản vào đồng, tháng 10 lũ rút chúng sẽ bơi ngược dòng để lặp lại chu kỳ.
"Gần đây, các nước thượng nguồn khi làm đập đều có làm đường để cá di cư, nhưng đập vốn làm thay đổi dòng chảy nên sẽ kéo theo thay đổi các thứ khác. Đó là chưa nói đến việc đắp đê bao ở thượng nguồn cũng khiến cá mất chỗ đẻ", TS Kiểm nói.
"Cha đẻ" của của cá linh nhân tạo cũng bảo rằng, không như nhiều người nghĩ, loài này tuy đẻ nhiều, tỷ lệ sống cao, nhưng vòng đời ngắn ngủi chỉ có hai năm. Nếu năm nay không đẻ được, chúng sẽ mất một thế hệ, năm sau tiếp tục không đẻ nữa thì khả năng tuyệt diệt sẽ rất cao.
"Hơn tháng trước, tôi đi Châu Đốc, vào quán cơm họ hỏi có ăn cá linh non không. Tôi bán tín bán nghi, bảo họ mang ra xem mới phát hiện nhiều người từ lâu ăn nhầm con cá trôi Ấn Độ vốn ngoại hình rất giống cá linh non", ông bảo.
TS Kiểm cũng nói, cá linh với nhiều người vùng lũ từ lâu đã là một biểu tượng không thể thiếu. Ngày nào đó, nếu chúng không còn, lũ đồng bằng này sẽ giảm đi rất nhiều ý nghĩa.
Hoàng Nam