Một thể kỷ trôi qua sau khi Thế chiến I kết thúc vào ngày 11/11/1918, những cuộc tranh luận xung quanh vai trò của Mỹ trên trường quốc tế chưa bao giờ chấm dứt mà đang càng trở nên nóng bỏng khi nước Mỹ được lãnh đạo bởi một tổng thống với cương lĩnh "Nước Mỹ trên hết", theo AFP.
"Khi Thế chiến I kết thúc, người ta tranh luận về việc liệu Mỹ có nên tham gia các tổ chức quốc tế như Hội Quốc Liên để phục vụ tối đa lợi ích của mình hay cần tránh xa các tổ chức này để theo đuổi lợi ích riêng", giáo sư lịch sử Michael Neiberg thuộc Trường Lịch sử Chiến tranh Lục quân Mỹ cho biết.
Các cuộc tranh luận này nổ ra sau khi chiến dịch quân sự của Mỹ tại châu Âu năm 1917 - 1918 góp phần không nhỏ vào việc kết thúc cuộc đại chiến đầu tiên của thế kỷ 20. "Thế chiến I đưa nước Mỹ vào vị trí lãnh đạo trong các quan hệ quốc tế chính", giáo sư lịch sử quân sự tại Đại học Bắc Texas Geoffrey Wawro nói.
Khi đó, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson bảo vệ quan điểm rằng Hội Quốc Liên được thiết lập để bảo vệ hòa bình, còn Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Henry Cabot Lodge nhận định tổ chức này là mối đe dọa với chủ quyền nước Mỹ. Khi Tổng thống Wilson tìm cách đưa Mỹ gia nhập Hội Quốc Liên, Lodge lên kế hoạch kêu gọi Thượng viện Mỹ phản đối, khiến Mỹ chưa bao giờ tham gia Hội Quốc Liên.
"Mỹ là một cường quốc nên các tác động từ sự can thiệp của nước này vẫn không biến mất dù Mỹ rút vào chủ nghĩa biệt lập", Wawro nhận định.
Những chính sách đối ngoại chưa từng có tiền lệ dưới các đời tổng thống trước mà Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi gợi nhớ đến cuộc tranh luận vào những năm 1920 giữa Nhà Trắng và Điện Capitol về sự tham gia của Mỹ đối với các tổ chức quốc tế.
Tổng thống Trump tỏ rõ thái độ không coi trọng các thiết chế toàn cầu, thậm chí phản đối các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trump rút hoặc công bố kế hoạch rút khỏi Thỏa thuận về Biến đối Khí hậu Paris, Thỏa thuận Hạt nhân Iran, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ hy sinh chủ quyền của nước Mỹ cho bộ máy quan liêu toàn cầu không được bầu lên, không có trách nhiệm", Trump phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9. "Nước Mỹ do người Mỹ lãnh đạo. Chúng tôi từ chối ý thức hệ của chủ nghĩa toàn cầu hóa và chúng tôi chọn đi theo chủ nghĩa yêu nước".
Trump cho rằng Mỹ với tư cách là cường quốc không nên tham gia vào bất cứ tổ chức nào, nếu nó không có lợi cho Mỹ. Lập luận này giống Lodge, khi ông phản đối ý định đưa Mỹ gia nhập Hội Quốc Liên của Tổng thống Wilson vào những năm 1920.
"Theo Lodge, cơ chế mỗi quốc gia một phiếu bầu của Hội Quốc Liên bất lợi cho Mỹ bởi nó khiến quyền lực của Mỹ bị hạ xuống ngang bằng một nước nhỏ. Mỹ coi đây là điều vô lý đối với một cường quốc như mình", Neiberg đánh giá.
Trump muốn từ bỏ lập trường xây dựng trật tự thế giới dựa trên quy tắc và luật lệ Mỹ theo đuổi từ sau Thế chiến II.
"Các nhà lãnh đạo Mỹ trong Thế chiến II rút ra bài học từ cuộc đại chiến trước rằng Mỹ không thể đảm bảo an toàn và thịnh vượng của mình bằng cách tách biệt khỏi châu Âu và thế giới. Trong suốt 70 năm qua, nền tảng chính sách đối ngoại của Mỹ là thể hiện tầm quan trọng của họ trong giải quyết các vấn đề chung của đồng minh và đối tác", chuyên gia James Lindsay của Hội đồng Quan hệ Quốc tế bình luận.
Các đời Tổng thống Mỹ từ Harry Truman cho tới Barack Obama có thể có những khác biệt về ưu tiên và chiến thuật nhưng đều chung quan điểm về sự lãnh đạo của nước Mỹ, như tích cực đề cập đến các liên minh, mở cửa thị trường... Tuy nhiên, Trump lại hoài nghi về chủ nghĩa đa phương và quay lưng lại với thế giới do chính Mỹ tạo ra, Lindsay nhận xét.
"Trong 20 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, Trump đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với các đồng minh, theo đuổi chính sách bảo hộ kinh tế và chấp nhận đối đầu với những ai phản đối giá trị của nước Mỹ", Lindsay nói.
Các học giả cho rằng Tổng thống Trump chưa hẳn là người theo chủ nghĩa biệt lập mà các chính sách của Trump nhằm mục đích mang lại nhiều điều có lợi cho Mỹ.
"Trump từ chối các cấu trúc được thiết lập để Mỹ tham gia lãnh đạo thế giới, tìm giải pháp thay thế với các thỏa thuận song phương. Trump cho rằng Mỹ cần tái lập các điều khoản của riêng mình thay vì cái gọi là "những đều khoản thiêng liêng" do lịch sử để lại, vốn bị Trump coi là bất lợi cho Mỹ", Wawro nói.
Lindsay cảnh báo việc Mỹ từ chối vai trò lãnh đạo thế giới sẽ để lại khoảng trống chính trị dẫn đến hai khả năng - một là quốc gia nào đó sẽ giành lấy vị trí Mỹ bỏ lại và nhiều khả năng là Trung Quốc, hai là thế giới không có quốc gia đóng vai trò lãnh đạo và rơi vào thời kỳ các siêu cường đối đầu. "Đây là điều từng nhiều lần xảy ra trong lịch sử", Lindsay cho biết.
Điều này có thể dẫn đến kết quả có lợi cho Mỹ nhưng tiềm tàng nguy cơ phá hủy toàn bộ cấu trúc được thiết kế để đoàn kết nhân loại chống lại các mối đe dọa.
"Đây không phải là chủ nghĩa biệt lập mà giống với kiểu quan hệ quốc tế tầm thường dẫn tới việc mất vị trí lãnh đạo và tầm ảnh hưởng của Mỹ", Wawro kết luận.
Nguyễn Tiến