Hơn chục bang Mỹ đã kích hoạt lực lượng Vệ binh Quốc gia để bảo vệ các tòa nhà nghị viện sau cảnh báo của Cục Điều tra Liên bang (FBI) về các cuộc biểu tình có vũ trang, vài ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Giới chức an ninh cho rằng chủ nhật ngày 17/1 sẽ là thời điểm căng thẳng đầu tiên, khi phong trào chống chính phủ đã lên kế hoạch tổ chức biểu tình tại toàn bộ 50 bang từ nhiều tuần trước. Tuy nhiên, đến chiều muộn, chỉ có vài người biểu tình đổ ra những con phố quanh các tòa nhà nghị viện bang, cùng phần lớn nhân viên hành pháp và phóng viên báo chí. Một số người biểu tình nói họ tới đó để ủng hộ Tổng thống Donald Trump, số khác cho hay muốn ủng hộ quyền sở hữu súng hoặc lên án chính phủ.
Tại thủ đô Washington, hàng chục nghìn nhân viên an ninh thuộc Vệ binh Quốc gia và cơ quan hành pháp đã được điều động để tăng cường an ninh, đặc biệt sau vụ bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6/1.
Tuy nhiên, hôm 17/1, Washington vắng lặng như một thành phố ma. Các binh sĩ mặc trang phục rằn ri đứng gác khắp các chốt an ninh ở trung tâm, với các phương tiện bị cấm qua lại và xe quân sự lớn được triển khai để chặn đường.
Cảnh sát Quốc hội cho hay đã bắt một phụ nữ ở một chốt an ninh vì giả danh cảnh sát. Người này đã được kiểm tra về tâm lý trước khi chuyển đến trại giam của cảnh sát thành phố.
"Hôm nay tình hình trái với dự đoán và chúng tôi rất vui vì điều đó", Troy Thompson, phát ngôn viên Bộ Dịch vụ cộng, cơ quan bảo vệ nghị viện bang Pennsylvania ở thành phố Harrisburg, cũng cho hay.
Chiều cùng ngày, cảnh sát đã dỡ bỏ rào chắn và mở cửa các đường phố quanh tòa nhà. Trong số vài người ủng hộ Trump tới đây có Alex, 34 tuổi, một thợ thạch cao ở Hershey, Pennsylvania. Anh cho hay từng có mặt trong cuộc bạo loạn hôm 6/1 ở Đồi Capitol tại Washington nhưng không vào trong tòa nhà.
Mặc chiếc áo trùm đầu có dòng chữ "Gian lận 2020", anh tin rằng cuộc bầu cử tổng thống đã bị đánh cắp và muốn thể hiện sự ủng hộ với Tổng thống Trump. Anh cũng chú ý đến việc có rất ít người biểu tình ở nghị viện bang Pennsylvania.
"Không có gì xảy ra cả", Alex nói.
Có một nhóm nhỏ gồm khoảng hơn chục người biểu tình, một số mang súng trường, đứng bên ngoài nghị viện bang Michigan ở thành phố Lansing chiều cùng ngày. Một người mặc quần dài màu xanh quân đội, áo vest tác chiến và áo sơmi Hawaii màu xanh, dấu hiệu của phong trào boogaloo chống chính phủ.
"Tôi không đến đây để gây bạo lực và tôi hy vọng không có ai xuất hiện để gây bạo lực", người này nói, từ chối nêu tên, đội chiếc mũ "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" và phất cờ "Đừng giẫm lên tôi".
Đến đầu buổi tối, khu vực nghị viện bang ở Lansing trở nên vắng vẻ.
Không rõ liệu có phải cảnh báo của FBI và việc tăng cường hiện diện an ninh khắp nước Mỹ đã khiến một số người biểu tình hủy kế hoạch đến thủ phủ bang hay không. Sau vụ bạo loạn ở Washington, một số nhóm dân quân cho biết họ sẽ không tham dự cuộc biểu tình ủng hộ súng đã được lên kế hoạch từ lâu ở bang Virginia vào 18/1, nơi các nhà chức trách lo ngại về nguy cơ bạo lực khi nhiều nhóm tụ tập về thủ phủ Richmond.
Các đường phố xung quanh tòa nhà nghị viện ở Richmond được dựng rào rào chắn vào chiều 17/1, nhưng ngoài một vài nhân viên cảnh sát và phóng viên, khu vực này vắng tanh.
Một số thành viên nhóm dân quân và các nhóm cực đoan đã yêu cầu người ủng hộ ở nhà vào cuối tuần này, với lý do an ninh đang được siết chắc hoặc nguy cơ các sự kiện được lên kế hoạch sẽ bị lực lượng hành pháp trấn áp.
Bob Gardner, lãnh đạo của Lực lượng Dân quân Lightfoot Pennsylvania, cho biết nhóm của ông không có kế hoạch đến Harrisburg vào cuối tuần này. "Chúng tôi lo lắng cho các cộng đồng của riêng mình. Chúng tôi không tham gia vào chính trị" ông nói.
Tại nghị viện bang Ohio, khoảng 20 người, trong đó vài người cầm súng trường, biểu tình dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát trước khi giải tán do tuyết rơi. Kathy Sherman, người đeo mạng che mặt có chữ Trump, nói cô ủng hộ Tổng thống nhưng phản đối đám đông gây rối ở Đồi Capitol.
"Tôi ở đây để ủng hộ quyền phát biểu quan điểm hoặc quan điểm chính trị mà không sợ bị kiểm duyệt, quấy rối hoặc bị đe dọa mất việc hay bị hành hung", cô nói.
Thống đốc Ohio Mike DeWine, một thành viên đảng Cộng hòa, bày tỏ hài lòng với tình hình hiện nay, nhưng nhấn mạnh chính quyền tiếp tục lo ngại về nguy cơ bạo lực và sẽ duy trì các cấp độ an ninh cho tới lễ nhậm chức.
Khoảng 25.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia từ khắp các nước dự kiến đến Washington trong những ngày tới. Giới chức quốc phòng Mỹ cho biết họ sẽ được FBI thanh lọc lý lịch để tránh nguy cơ đe dọa từ nội bộ với lễ nhậm chức.
Phát ngôn viên lực lượng tuần tra Washington Chris Loftis hy vọng tình hình yên bình hiện nay phản ánh sự tự vấn lương tâm của một số người Mỹ.
"Tôi muốn nói rằng đó là vì tất cả chúng ta đều đã soi lại mình một cách tỉnh táo và nhận ra rằng sau những khoảnh khắc nhất thời, chúng ta là một tập thể thống nhất", ông nói.
Anh Ngọc (Theo Reuters)