Tôi vốn là một sinh viên ở vùng quê nghèo lên trọ học tại thành phố. Từ lúc Samsung Galaxy Tab ra mắt, tôi đã rất thích chiếc tablet này vì kiểu dáng gọn nhẹ, tiện dụng và có thể nghe gọi như smartphone. Tôi ước ao một ngày nào đó mình sẽ được sở hữu nó. Chiếc tablet này đối với tôi là một món hàng “xa xỉ”, nhưng lại có sức cuốn hút lớn.
Ngay sau đó tôi đã hỏi xin tiền của gia đình để mua chiếc tablet. Nhưng ở quê nhà, cuộc sống quanh năm với ruộng rẫy, ba mẹ tôi vất vả lắm mới có tiền lo cho tôi đóng học phí, ở trọ và sinh hoạt hằng tháng, tiền đâu mua một siêu phẩm công nghệ như vậy. Nhiều đêm trên gác trọ tôi vẫn mơ một ngày gần nhất được cầm trong tay máy tính bảng Samsung. Tôi quyết định tự tay mình sẽ mua bằng được chiếc Galaxy Tab đó. Tôi và một số đứa bạn bắt đầu tìm những công việc ngoài giờ học để làm thêm kiếm tiền. Cuối cùng tôi đã được nhận vào làm tại một quán ăn gia đình từ 17h-23h. Những công việc bưng bê, dọn dẹp rất vất vả nhưng cũng dần quen. Sau hơn 4 tháng dành dụm , tôi thấy số tiền ấy chỉ được hơn một nửa giá trị chiếc tablet. Tôi hụt hẫng và dường như muốn bỏ cuộc.
Đúng lúc đó, tại một cửa hàng đang có chương trình mua trả góp hỗ trợ sinh viên với lãi suất thấp. Tôi vui mừng khôn xiết khi biết mình đủ điều kiện để đăng ký và tiền đi làm hằng tháng đủ để tôi có thể trả góp. Ngay ngày hôm sau, tôi đến để làm thủ tục mua. Càng đến gần quầy hàng để chiếc Galaxy Tab, tim tôi càng dồn dập. Chắc chắn hôm nay tôi sẽ có nó, tối nay tôi sẽ thức để mày mò tìm hiểu, một cảm giác phấn khích vô cùng. Còn niềm vui nào bằng khi được sỡ hữu một thiết bị vẫn hằng mơ ước.
Mặc dù tôi từng thử trải nghiệm sản phẩm và ưng ý, nhưng vẫn muốn được cầm tận tay chiếc Galaxy Tab để có cảm giác “vuốt vuốt”. Khi đang hí hửng cầm chiếc tablet trên tay, chợt nhìn qua lớp cửa kính trong suốt từ cửa hàng, tôi thấy một cụ già đang chậm chạp đẩy xe bán trái cây đi ngang qua trong cái nắng oi bức của buổi trưa.
Tôi sững người nhận ra một hình ảnh quá đỗi thân quen cứ như ba mẹ mình. Tôi quên mất niềm vui khi trên tay là chiếc tablet xinh xắn. Tôi chợt nhớ đến dáng vẻ lam lũ của ba mẹ hằng ngày bán từng trái chuối cọng rau, gom góp từng đồng tiền nhỏ nhoi lo cho tôi đủ đóng học phí và được ăn bữa cơm ngon. Vậy mà trong nỗi khổ cực đó, với ngần ấy tiền dành dụm này, tôi đã làm gì?. Trong phút giây lặng lẽ, tôi quay đi cố tránh né những ánh mắt xung quanh để giấu che niềm xúc động của riêng mình. Bỗng mắt tôi cay xè, nước mắt khẽ lăn đủ để tạo thành giọt rơi xuống màn hình chiếc tablet đang còn trên tay.
Tôi vội trả lại cái máy tính bảng và ra về trước vẻ khó hiểu của chị nhân viên. Bước ra ngoài cửa hàng, trong lòng tôi không khỏi nuối tiếc vì mình vừa từ chối một món đồ mà hằng ngày vẫn thường ước mơ có được. Nhất định tôi sẽ mua, nhưng không phải là lúc này. Gia đình còn khó khăn, ba mẹ còn tảo tần, những đồng tiền kia đối với tôi bây giờ thật có ý nghĩa.
Gạt qua niềm mơ ước riêng về chiếc máy tính bảng, chiều hôm đó, tôi đã gọi điện về cho mẹ để nói rằng: “Mẹ ơi tháng này mẹ đừng gửi tiền, con có tiền đóng học phí rồi”. Trong hai tháng sau, tôi đã tự trang trải tiền trọ và sinh hoạt bằng chính những đồng tiền dành dụm. Tôi thấy người nhẹ nhõm vì mình đã làm được một việc có ý nghĩa. Tôi tự nhủ thầm trong lòng sẽ cố gắng học thật tốt, tiếp tục đi làm thêm và dành dụm để sớm đạt được ước mơ của mình. Galaxy Tab ơi chờ ta nhé!
Giờ đây, sau khi ra trường làm việc, có được chiếc Galaxy Tab mơ ước, nhưng những cảm xúc khi lần đầu tiên muốn sở hữu chiếc máy tính bảng Samsung làm tôi không thể nào quên được. Quyết định ngày hôm đó đã cho tôi một quan điểm sống hoàn toàn khác trong cuộc đời mình. Tôi biết trân trọng hơn những gì mình làm ra và đặc biệt là người khác dành cho mình. Tôi cố gắng sử dụng những giá trị đó sao cho thật hiệu quả, cũng như với chiếc máy tính bảng Galaxy Tab đang phục vụ tốt cho công việc hiện nay.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây hoặc media@vnexpress.net.
Cuộc thi viết "Trải nghiệm cuộc sống cùng tablet" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Công ty điện tử Samsung tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Chương trình diễn ra trong 6 tuần từ ngày 15/8 đến 25/9. |
Nguyễn Quốc Cường