![]() |
Ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Rodham Clinton. Ảnh: AP. |
Trong chiến dịch vận động tranh cử tại bang New Hampshire tuần qua, Mitt Rommey đã có "một phút yếu lòng". Những giọt nước mắt xuất hiện trên gương mặt ông hôm 17/12 khi ứng viên tổng thống này kể về việc ông nhìn thấy linh cữu một lính Mỹ bị giết tại Iraq mà tưởng như mất đi chính cậu con trai của mình.
Đã 35 năm kể từ khi việc tranh cử của thượng nghị sĩ Edmund Muskie phải đi đến hồi kết năm 1972 chỉ vì "nước mắt". Chiến dịch tranh cử của ông "trật khỏi đường ray" sau khi ông được cho là đã khóc khi biết một tờ báo công kích vợ mình. Cho đến lúc mất, ông vẫn khăng khăng rằng đó là do bông tuyết tan chảy chứ không phải nước mắt.
15 năm sau, năm 1987, ứng viên đảng Dân chủ Pat Schroeder đã khóc khi công bố mình sẽ tranh cử vào Nhà Trắng. Cho đến tận bây giờ, bà vẫn nhận được khá nhiều lời chỉ trích, phần lớn là từ phái yếu về hành động trên.
Có thể các nam chính trị gia được ưu ái hơn khi họ rơi nước mắt nhưng với các ứng cử viên nữ, khóc vẫn là một hành động quá xa xỉ.
Trong cuốn hồi ký "Living History", ứng viên tổng thống Mỹ, bà Hillary Rodham Clinton, từng viết về khoảnh khắc chồng thừa nhận mối quan hệ với Monica Lewinsky. "Tôi gần như không thể thở được. Tôi bắt đầu khóc và hét vào mặt chồng. Ý anh là gì đây? Anh đang nói gì thế? Tại sao anh lại lừa dối tôi?", bà viết.
![]() |
Những giọt nước mắt của Tổng thống Mỹ Bush. Ảnh: The lazy populist. |
Schroeder cho biết ngay chính những người cho rằng Hillary lạnh lùng, vô cảm cũng có thể coi nước mắt của chính bà ấy là biểu hiện của sự yếu mềm.
Aubrey Immelman, chuyên gia về tâm lý chính trị gia thuộc trường Đại học Saint John, bang Minnesota, cho rằng các ứng viên nữ "không có chỗ trong trò chơi nước mắt". "Nếu Hillary rơi lệ, điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến hình tượng của bà ấy. Thật bất công, nhưng tôi nghĩ đó chính xác là những gì vẫn đang xảy ra trong xã hội chúng ta", Aubrey nói.
Aubrey cho biết các chính trị gia cứng rắn như Rudy Giuliani hay John McCain, xuất thân từ quân đội, có thể khóc "thoải mái" mà không phải e ngại sẽ bị mất hình tượng.
Aubrey đưa ra ví dụ về Tổng thống Bush. Ông thường nghẹn ngào khi nói chuyện về con số thương vong trong chiến tranh hay khi đi thăm nạn nhân các vụ thiên tai.
Theo Aubrey, với một chính trị gia cứng rắn như Mitt Rommey thì : "Việc thể hiện dù chỉ là một chút cảm xúc cũng có thể khiến hình ảnh ông ấy trở nên gần gũi hơn".
"Tôi cũng là một con người bình thường, tôi cũng có cảm xúc. Những cảm xúc giống như bất cứ một người nào. Tôi không thấy xấu hổ về điều đó", Rommey trả lời các phóng viên sau sự kiện ông rơi nước mắt hôm 17/12.
Quỳnh Mai (theo AP)