Xét theo đầu người, một năm mỗi người Việt có 85 lần ăn mỳ - đứng đầu thế giới về khẩu phần ăn loại thực phẩm này, theo WINA.
Theo Hiệp hội mỳ ăn liền Thế giới (WINA), trong 3 năm trở lại đây (2020 đến nay), Việt Nam luôn được xếp vào top 3 quốc gia có tổng sản lượng tiêu thụ mỳ ăn liền nhiều nhất thế giới.
Tôi thấy thông tin này khá thú vị. Nhiều người đưa ra các lý do như: tại nghèo, lười nấu nướng nên ăn qua loa... nhưng tôi lại thấy mì gói hợp với khẩu vị của nhiều người Việt.
Chẳng hạn như mấy năm trở lại đây, khi đi ăn phở hoặc ăn bún bò Huế, tôi đều dặn "làm mì gói nhé". Vậy là các chủ hàng trụng một gói mì rồi chan nước lèo, để các loại topping cho vào tô rồi bưng ra cho tôi.
Hầu như hàng quán phở, bún bò Huế nào bây giờ cũng có sẵn mì gói để phục vụ khách theo yêu cầu, và khách bây giờ nhiều người cũng yêu cầu mì gói thay vì sợi bún, sợi phở.
Đến nỗi đi ăn lẩu gà lá é, lẩu bò, tôi thấy rất nhiều người thay vì ăn với bún, họ lại chọn ăn mì gói. Hay như chính nhà tôi mỗi dịp liên hoan nấu lẩu, cũng ăn với mì gói chứ không phải bún.
Thực sự, các món nước, nhất là phở và bún bò Huế, nếu ăn với sợi mì gói thì tôi thấy ngon hơn hẳn ăn với sợi phở, bún. Hai loại này được làm từ gạo, ăn vào rất bở, mủn, không có độ dai và đàn hồi như sợi mì gói.
Nếu nấu lẩu ăn ở nhà, một kg bún mua ngoài chợ để từ sáng đến chiều là có dấu hiệu bị khô hoặc bị thiu.
Tôi nghĩ thay vì cứ tranh cãi món nào ngon nhất, và chăm chăm vào các nồi nước lèo hầm xương hay nêm gia vị, cũng nên xét đến và nghiên cứu cải tiến cách làm sợi bún, sợi phở sao cho thơm ngon hơn.
*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết về Ẩm thực qua địa chỉ email: bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Quan Đồng