Tôi chưa kịp hỏi, Phúc, chuyên gia của Forest Trends - tổ chức phi lợi nhuận nhằm tăng cường đóng góp từ rừng và quản lý rừng bền vững - đã đi thẳng vào vấn đề. Chúng tôi gặp nhau để trao đổi về điều Phúc đang nói tới, thuế carbon cùng các quy định mới về chống mất rừng và suy thoái rừng mà EU sẽ áp dụng trong thời gian tới với các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này. Đằng sau đó là câu chuyện về net zero, về trung hòa phát thải.
Quan hệ thương mại và môi trường là vấn đề không mới, nhưng các diễn đàn trên thế giới mấy chục năm nay vẫn chỉ dừng ở bàn thảo, chưa có tác động đáng kể với hoạt động thương mại. Vì vậy, việc EU ban hành đạo luật mới về thuế carbon nói riêng và chống biến đổi khí hậu nói chung sẽ tác động lớn đến các quốc gia có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam.
Đạo luật mới của EU - Cơ chế Điều chỉnh carbon Biên giới (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) - quy định trực tiếp về thuế carbon sẽ được áp dụng với nhóm mặt hàng có hàm lượng phát thải cao. Quy định mới của EU về chống mất rừng và suy thoái rừng (EU Deforestation-free Regulation - EUDR) áp dụng với một số nhóm mặt hàng nông - lâm nghiệp.
Lập luận để ban hành CBAM là ở chỗ, khi EU đánh thuế các sản phẩm có hàm lượng phát thải cao được sản xuất từ châu lục này thì có thể dẫn đến các doanh nghiệp EU dịch chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, thường là những nước có chính sách về khí hậu kém nghiêm ngặt hơn, nhằm giảm chi phí, sau đó đem sản phẩm xuất khẩu vào EU. Điều này sẽ tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng với sản phẩm cùng loại sản xuất ở EU. Vì thế, EU cho rằng CBAM sẽ tránh được tình trạng "rò rỉ" carbon, lập lại công bằng giữa sản phẩm nhập khẩu với sản phẩm nội địa, qua đó cũng khuyến khích các nước xuất khẩu sang EU quan tâm hơn đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, trước khi Thủ tướng đưa ra cam kết tại Hội nghị COP26 về trung hòa phát thải (net zero) vào năm 2050, có lẽ cũng chưa nhiều người để tâm đến câu chuyện này.
Một số người nói Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải bằng 0. Đó là cách nói hoàn toàn sai. Một quốc gia không thể không phát thải, giống như con người tồn tại thì phải thở, phải thải ra khí carbonic. Vấn đề ở đây là giảm phát thải nhằm tránh đầu độc khí quyển, phát thải một cách có trách nhiệm. Trách nhiệm chính là phải có những hành động bù đắp để hấp thụ bớt lượng khí nhà kính đưa ra môi trường, Phúc giải thích cho tôi.
Như vậy, trong nhiều yếu tố tạo nên khác biệt, đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp thì giảm phát thải là một yếu tố mới. Doanh nghiệp nào nhận thức nhanh nhạy và có biện pháp chuyển đổi, thích ứng với vấn đề này sẽ có lợi thế hơn.
Chính sách của EU sẽ chặn bớt việc nhập khẩu các sản phẩm có lượng phát thải carbon cao, qua đó làm thay đổi lựa chọn của các quốc gia đối với các nhà xuất khẩu hàng hóa.
Cách đây không lâu, một doanh nghiệp dệt may nói với tôi, trước đây chúng ta tự hào ngành dệt may đi trước các nước như Bangladesh, Campuchia. Nhưng bây giờ họ đã đi trước trong chuyển đổi xanh. Khi đơn hàng giảm đi, khách hàng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp đáp ứng được cao nhất yêu cầu của họ, trong đó có yêu cầu về giảm phát thải. Do vậy, đơn hàng đã giảm vì nhu cầu đi xuống, lại có thể còn bị mất vào tay các nước đối thủ.
CBAM áp dụng từ 1/10/2023 (tức chỉ còn hơn 4 tháng nữa). Đây là thời điểm bắt đầu giai đoạn quá độ, các doanh nghiệp nhập khẩu phải thực hiện khai báo mức độ phát thải với 6 nhóm sản phẩm, bao gồm nhôm, sắt thép, phân bón, xi măng, điện và hydrogen; tuy nhiên chưa phải trả thêm chi phí.
Từ 1/1/2026, CBAM chính thức có hiệu lực. Doanh nghiệp nhập khẩu vào EU sẽ phải khai báo số lượng hàng hóa nhập khẩu và lượng phát thải trong các hàng hóa đó; đồng thời phải xuất trình giấy chứng nhận CBAM tương ứng với lượng phát thải. Và doanh nghiệp phải bỏ tiền để mua giấy chứng nhận CBAM này.
Thuế carbon là một cách nói hình tượng. Bản chất CBAM không phải là thuế, nhưng tạo ra thêm chi phí để khuyến khích hay buộc doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ sản xuất, giảm phát thải.
EU cũng chuẩn bị ban hành Quy định về Chống mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) trong đó cấm một số nhóm mặt hàng nông - lâm nghiệp có liên quan tới mất rừng được nhập khẩu vào thị trường này. Lý do EU đưa ra là bởi mất rừng là nguyên nhân trực tiếp gây ra biến đổi khí hậu. Nhóm mặt hàng đang nằm trong sự quản lý của EUDR bao gồm gỗ, cà phê, ca cao, dầu cọ, thịt bò, đậu tương, cao su và các sản phẩm được chế biến từ các nhóm này.
Phúc cũng đang đi thông tin, tuyên truyền về tác động của EUDR đối với các nhóm mặt hàng gỗ, cà phê và cao su của Việt Nam.
Tôi tưởng các ngành nông nghiệp sẽ không phải chịu thuế carbon vì ít phát thải, và còn hấp thụ carbonic. Nhưng Phúc giải thích: "Sản xuất nông nghiệp cũng tiêu thụ nhiều vật tư, và để sản xuất ra những vật tư ấy thì đều tiêu tốn năng lượng, phải phát thải. Điển hình là phân bón, một sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng khá cao. Ngoài ra, ở một số quốc gia, nhiều diện tích rừng tự nhiên đã bị chuyển đổi sang đất trồng trọt để sản xuất các cây hàng hóa. Điều này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất rừng và suy thoái rừng".
Thì ra, đằng sau mỗi một sản phẩm, cho dù là hạt cà phê, cao su, gỗ đều là một sự "đóng góp" vào việc phát thải ra môi trường. Thảo nào, EU dùng từ "footprint" (dấu chân, dấu vết). Chúng ta không nhìn thấy ngay việc phát thải khi cầm trên tay một sản phẩm, nhưng nếu lần lại quá trình sản xuất ra sản phẩm đó thì sẽ rõ sản phẩm có thân thiện với môi trường hay không.
Một sản phẩm có dấu vết tiêu tốn nhiều năng lượng, phát thải nhiều carbon sẽ bị EU đánh thuế, làm giảm tính cạnh tranh. Một sản phẩm mà quá trình sản xuất làm mất rừng và suy thoái rừng cũng được coi là gây ra các tác động tiêu cực tới khí hậu và bị EU hạn chế nhập khẩu.
Một doanh nghiệp có thể không giảm được việc sử dụng năng lượng, nhưng lựa chọn nguồn năng lượng để tiêu thụ là điều có thể làm được. Ví dụ, thay vì sử dụng điện phát bằng việc đốt than thì sử dụng điện mặt trời, điện gió.
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu năng lượng, dừng đầu tư và giảm dần điện than, nâng tỷ trọng điện tái tạo. Việc ban hành Quy hoạch Điện VIII vừa qua cũng thể hiện một cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong chuyển đổi cơ cấu năng lượng. Tuy nhiên, mọi thứ không dễ dàng. Điện mặt trời và điện gió là nguồn năng lượng sạch, nhưng phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết nên không có tính ổn định, không thể là nguồn điện chủ yếu mà chỉ là nguồn bổ sung. Trong khi đó, điện hạt nhân đã được rút ra khỏi phạm vi xem xét.
Bất luận khó khăn thế nào, Việt Nam cũng cần đạt các mục tiêu giảm phát thải để duy trì cạnh tranh quốc gia. Đó là điều Phúc khẳng định với tôi, trước khi chia tay nhau trong một chiều Hà Nội nóng bức bối.
Trần Thanh Hải