Nhiều FTA quan trọng nữa cũng sẽ được ký, trong đó phải kể đến Hiệp định đối tác Xuyên Thái bình dương (TPP) với mục tiêu hàng hóa sẽ thông thương trong một khu vực kinh tế có số dân trên 790 triệu người, đóng góp 40% GDP và chiếm 1/3 thương mại toàn cầu. Qua các báo cáo tổng kết của địa phương, bộ, ngành, những tín hiệu khả quan được thể hiện theo chiều hướng rất sướng.
Trước đây thuế vào EU là mười mấy phần trăm, hậu FTA tất cả sẽ về 0% - cá tra, áo sơ mi, quần âu, tha hồ mà oanh tạc trời Âu. TPP ký xong thì người Mỹ, Canada có khi toàn mặc đồ Việt Tiến, May 10 và xài giày Thượng Đình. Sau khi chiếm lĩnh và làm chủ thị trường, chúng ta mới liên kết lại trong một chiến lược dài hơi để xây dựng những thương hiệu Việt thật bài bản, để hàng mà xuất xứ từ Việt Nam sẽ phải đồng nghĩa với những thương hiệu hoành tráng. Biết đâu, khi ấy Lacoste với Hugaco sẽ khiến khách hàng phải đắn đo; trong các boutique, Ladoda xếp ngang hàng với Louis Vuitton. Và rất có thể, khi ấy, PierreCardin lại phải đàm phán với Việt Tiến để xin được… nhượng quyền thương hiệu có chữ V hơi nghiêng nghiêng.
Trước viễn cảnh huy hoàng ấy, đó đây đã xuất hiện những toan tính cho việc đẩy mạnh mở rộng sản xuất hơn nữa, tuyển thêm nhân lực, thậm chí còn có doanh nghiệp tính chuyện thuê người nước ngoài về làm CEO để hốt bạc.
Không cùng nhấp men say sắp giàu với khối doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước có vẻ lại trong trạng thái ngược lại: lo sốt vó cho số phận của doanh nghiệp khi hội nhập. Bởi vậy, họ đã tổ chức rất nhiều các cuộc hội thảo về hội nhập. Chỉ trong một thời gian ngắn các hội thảo như Hội thảo FTA Việt Nam – Chile; Hội thảo FTA Việt Nam – Hàn Quốc; Hội thảo phổ biến nội dung FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu; Hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do FTA: Tận dụng các ưu đãi và cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu”… đã được gấp rút tổ chức.
Hội thảo nào cũng có đại diện đến từ các đoàn đàm phán (hiệp định chuẩn bị được ký), Vụ Xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Thậm chí, trong nhiều hội thảo còn có cả đại diện đến từ đối tác chuẩn bị tiến hành ký kết như đại diện Phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) tại Việt Nam, Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đến để sẵn sàng nghe và giải đáp những thắc mắc của những người trực tiếp bị tác động bởi Hiệp định sẽ được ký kết.
Tại các cuộc hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, nhưng hầu như chỉ là những đòi hỏi. Chẳng hạn, thay vì có thể hỏi ngay và được giải đáp ngay một cách chi tiết về hàng rào kỹ thuật khi hiệp định được ký kết, thì có doanh nghiệp lại phát biểu: “Cần tổ chức các hội thảo phổ biến về các hàng rào kỹ thuật của đối tác khi FTA được ký kết”.
Có một điều tôi thấy gần như đã trở thành công thức chung tại hầu hết cuộc hội thảo là phần lớn các ý kiến có nội dung “đề nghị cơ quan hữu quan hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đối tác thông qua các chương trình của dự án (nếu có) để thực hiện có hiệu quả việc sản xuất, kinh doanh sau khi FTA có hiệu lực”, hoặc “đề nghị tổ chức phổ biến nội dung cụ thể của FTA về các vấn đề a, b,c, d”. Và, các thành viên tham dự hội thảo nào cũng nhất trí rằng: "Việc ký kết FTA Việt Nam (với đối tác nào đó) sẽ thúc đẩy việc hợp tác nước ta với đối tác (sẽ ký kết) trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, phát triển nông thủy sản, viện trợ ODA… phát triển một cách hiệu quả".
Chính vì vậy, trong một khảo sát mới đây với 700 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, thì có tới 60% doanh nghiệp không biết gì về những nội dung cơ bản của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); 51,1% không biết chính xác về thời điểm hình thành AEC; 60% không biết các trụ cột của AEC; 80% không biết về AEC Scorecard và có tới 87% không biết Việt Nam là điều phối viên trong lĩnh vực logistics.
Năm 2015 đã đi hết ba phần tư chặng đường, AEC, TPP đang sầm sập tiến gần. Thế mà doanh nghiệp, đối tượng cần phải biết và định cho mình đường đi nước bước, thì vẫn chưa tỉnh cơn mơ.
Tô Ngọc Doanh