Kết quả phân tích của cơ quan phụ trách núi lửa Indonesia cho thấy núi lửa Anak Krakatau đã mất hơn 2/3 chiều cao, giảm từ 338 m xuống còn 110 m, AFP hôm nay đưa tin. Một phần miệng núi sụp đổ sau vụ phun trào gây sóng thần hôm 22/12 ở eo biển Sunda.
Cơ quan này ước tính ngọn núi đã mất150-180 triệu m3 vật chất khi lượng lớn đá và tro trượt dần xuống biển sau một loạt hoạt động phun trào. "Anak Krakatau hiện thấp hơn nhiều. Bình thường bạn có thể nhìn thấy đỉnh núi từ đài quan sát, bây giờ thì không thể", Wawan Irawan, quan chức cấp cao của cơ quan, cho biết.
Ảnh vệ tinh do Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản chụp trước và sau vụ phun trào hôm 22/12 cho thấy một mảng rộng 2 km2 trên đảo núi lửa đã chìm xuống biển. Tình trạng của miệng núi được nâng lên mức cảnh báo cao thứ hai trong thang đo nguy hiểm gồm 4 mức của Indonesia. Vùng hạn chế cũng mở rộng từ 2 lên 5 km.
Hàng nghìn người Indonesia theo đạo Hồi hôm nay tổ chức buổi cầu nguyện để tưởng nhớ các nạn nhân trong trận sóng thần và cầu an toàn cho những nơi dễ gặp thảm họa. Nhà chức trách cho biết ít nhất 426 người đã thiệt mạng, khoảng 7.202 người bị thương, 23 người mất tích và 1.300 ngôi nhà bị phá hủy khi sóng tấn công bờ biển phía tây đảo Java và phía nam đảo Sumatra.