Dữ liệu radar từ vệ tinh được chuyển thành hình ảnh cho thấy ngọn núi lửa Anak Krakatau đã nhỏ hơn nhiều sau khi phun trào hồi cuối tuần qua gây ra thảm họa sóng thần nghiêm trọng khiến hơn 400 người chết tại Indonesia, New York Post đưa tin.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản chụp trước và sau vụ phun trào, một mảng lớn phía tây nam ngọn núi lửa đã biến mất. Dave Petley, chuyên gia tại Đại học Sheffield, người cũng phân tích những hình ảnh tương tự từ vệ tinh thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu, cho hay họ nghiêng về giả thuyết mảng vật chất từ núi Anak Krakatau trượt xuống biển là nguyên nhân gây ra sóng thần tấn công hai đảo Sumatra và Java của Indonesia.
"Thách thức lúc này là giải thích những gì có thể đang và sẽ diễn ra trong ngọn núi lửa", Petley viết trên trang blog cá nhân.
Nhà chức trách Indonesia cảnh báo người dân tránh xa bờ eo biển Sunda ít nhất 1,5 km vì lo ngại về khả năng xảy ra một trận sóng thần khác.
Sóng thần tràn vào một số khu vực của eo biển Sunda, gồm các bãi biển ở phía tây đảo Java và nam đảo Sumatra, vào tối 22/12, khiến ít nhất 429 người thiệt mạng, 1.485 người bị thương và hàng nghìn người mất nhà cửa. 24 phút trước khi sóng thần ập vào, núi lửa Anak Krakatau đã phun trào.
Anak Krakatau (Con của Krakatau) xuất hiện từ tàn tích của núi lửa Krakatau và nổi lên khỏi mặt biển từ năm 1928. Núi lửa này cao khoảng 305 m, nằm ở ngoài khơi cách bờ biển phía tây đảo Java 80 km và bắt đầu hoạt động trở lại hồi tháng 6.
Krakatau từng phun trào vào năm 1883, gây loạt sóng thần khiến 36.000 người thiệt mạng và tro bụi của nó khiến nhiệt độ bề mặt toàn cầu giảm 1 độ C.