Những bức ảnh do Maxar Technologies chia sẻ trên mạng xã hội Twitter hôm 1/10 cho thấy quầng sáng đỏ rực quanh miệng núi lửa đang hoạt động. Theo thông báo hôm 6/10 của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), dung nham tiếp tục phun ra từ hai mạch, một nằm dọc chân núi lửa và một ở thành phía tây của miệng phun Halema'uma'u. Tất cả hoạt động phun trào dung nham bị giới hạn bên trong miệng phun Halema'uma'u ở Vườn quốc gia núi lửa Hawaii. Địa chấn và lượng khí giải phóng từ núi lửa vẫn tăng dần.
Núi lửa Kīlauea bắt đầu phun trào từ hôm 29/9. USGS đang tiếp tục theo dõi núi lửa này bởi lượng khí núi lửa cao như hơi nước, carbon dioxide và lưu huỳnh dioxide. Khi những khí này giải phóng vào khí quyển, chúng có thể tạo ra sương mù đe dọa sức khỏe của con người, vật nuôi và hoa màu. Ngoài ra, mảnh thủy tinh dễ gây kích ứng da và mắt từ núi lửa có thể theo gió bay xa hàng trăm mét. Nhà chức trách đã phong tỏa khu vực quanh bờ miệng núi lửa từ đầu năm 2008.
Kīlauea, núi lửa hình khiên với sườn thoải tạo thành từ lớp dung nham mỏng, phun trào định kỳ. Các nhà khoa học đang theo sát vụ phun trào gần đây và xác định sự kiện không phải mối đe dọa tức thời với những khu dân cư.
WorldView-2 và Worldview-3 đang hoạt động ở quỹ đạo thấp của Trái Đất lần lượt từ năm 2009 và 2014. WorldView-2 quan sát Trái Đất ở độ cao 772 km trong khi WorldView-3 vận hành ở độ cao 617 km. So với hai vệ tinh, Trạm Vũ trụ Quốc tế đang bay ở độ cao trung bình 400 km. Cả hai vệ tinh đều bay theo quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời. Bộ đôi vệ tinh chụp ảnh màu và bay qua mỗi khu vực trên Trái Đất một lần/ngày.
An Khang (Theo Space)