Bức ảnh do thiết bị Operational Land Imager (OLI) trên vệ tinh Landsat-8 chụp hé lộ độ tương phản ấn tượng giữa đỉnh núi Mauna Kea và Mauna Loa phủ đầy tuyết với đá núi lửa bao quanh. OLI là dự án hợp tác giữa Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cục Khảo sát Địa chất Mỹ. Bức ảnh được chia sẻ bởi Đài quan sát Trái Đất của NASA.
Tuyết dường như khó xuất hiện ở xứ sở nhiệt đới như Hawaii, nhưng trên thực tế tuyết rơi ở đây khá nhiều. Đỉnh của núi lửa Mauna Kea không hoạt động và núi lửa Mauna Loa đang hoạt động mạnh đều ở độ cao hơn 4.200 m so với mực nước biển. Núi Mauna Kea cao hơn 38 m so với Mauna Loa, thường có lớp tuyết mỏng bao phủ ít nhất một lần mỗi năm.
Năm nay, bão mạnh khiến các đỉnh núi phủ tuyết 3 lần trong 3 tuần qua, bắt đầu từ ngày 18/1, dẫn tới đợt tuyết phủ rộng thứ hai trong lịch sử tính từ năm 2000. Haleakalā, núi lửa cao 3.000 m trên đảo Maui đã không phun trào trong khoảng 400 năm, cũng có tuyết phủ hôm 3/2.
Tuyết ở Hawaii cũng có nghĩa mọi bang ở Mỹ, trừ Florida, đều có tuyết rơi trong mùa đông năm nay, theo trang Weather Channel. Đây là kết quả từ sự thay đổi lớn trong hướng gió từ hiện tượng thời tiết địa phương mang tên bão Kona. Trong suốt hiện tượng này, bão do hệ thống khí áp thấp gây ra ở phía bắc quần đảo làm gió mậu dịch thông thường ở hướng đông bắc bị đảo chiều thành hướng tây nam. Quá trình hút nước từ Thái Bình Dương tạo thành đám mây giông trút mưa lên quần đảo. Không khí lạnh cũng thổi qua Hawaii làm nhiệt độ trên các đỉnh núi hạ xuống dưới 0 độ C, khiến tuyết rơi. Bão Kona cũng xuất hiện trong những tháng mùa hè, có nghĩa tuyết có thể rơi ở Hawaii vào mùa hè.
Một nghiên cứu năm 2017 của trung tâm nghiên cứu Thái Bình Dương quốc tế (IPRC) thuộc Đại học Hawaii ở Mānoa sử dụng dữ liệu vệ tinh và mô hình vi tính, dự đoán tuyết rơi trên núi lửa sẽ giảm dần vào cuối thế kỷ 21 do nhiệt độ gia tăng dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
An Khang (Theo Live Science)