Ba nhà khoa học đã có đóng góp mang tính quyết định trong cuộc chiến chống lại bệnh viêm gan lây truyền qua đường máu. Harvey Alter, Michael Houghton và Charles Rice đã phát hiện ra virus viêm gan C, làm sáng tỏ nguồn căn bệnh viêm gan. Công trình tạo tiền đề cho các bộ xét nghiệm máu có độ nhạy cao và những phương thuốc giúp đẩy lùi căn bệnh.
Bệnh viêm gan, chủ yếu do virus, bắt nguồn từ thói quen lạm dụng rượu, các chất độc trong môi trường hoặc việc lây nhiễm tự nhiên. Vào những năm 1940, giới khoa học ghi nhận hai loại viêm gan truyền nhiễm chính.
Loại thứ nhất là viêm gan A, lây qua nguồn nước hoặc thức ăn bị nhiễm bẩn, ít ảnh hưởng lâu dài tới bệnh nhân. Loại thứ hai là viêm gan B, truyền qua máu và dịch thể, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn nhiều. Đây là dạng bệnh tiềm ẩn. Người khoẻ mạnh có thể bị nhiễm virus âm thầm nhiều năm trước khi phát sinh biến chứng nghiêm trọng. Viêm gan B lây truyền qua đường máu, tỷ lệ tử vong đáng kể. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng một triệu người qua đời vì căn bệnh. Viêm gan trở thành mối quan tâm sức khỏe toàn cầu, quy mô tương tự HIV hay bệnh lao.
Chìa khoá để điều trị thành công các bệnh truyền nhiễm là tìm ra tác nhân gây bệnh. Vào những năm 1960, nhà khoa học Baruch Blumberg phát hiện dạng viêm gan lây truyền qua đường máu. Khám phát đặt nền móng cho sự phát triển của các xét nghiệm chẩn đoán và loại vaccine hiệu quả. Blumberg được trao giải Nobel Y Sinh năm 1976 cho công trình này.
Khi đó, Harvey Alter, sinh năm 1935, đang làm việc tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nghiên cứu về sự xuất hiện của bệnh viêm gan ở các bệnh nhân được truyền máu. Dù kit xét nghiệm tìm kiếm virus viêm gan B đã làm giảm số ca nhiễm, ông Alter và các đồng nghiệp chứng minh rằng nhiều người vẫn mắc bệnh dù không phát hiện virus viêm gan A, B.
Điều đáng lo ngại là một số bệnh nhân được truyền máu phát triển viêm gan mạn tính, do tác nhân lây truyền không xác định. Nhóm của ông Alter đã thu thập các mẫu máu từ ngân hàng máu Viện Y tế Quốc gia tại Bethesda. Họ chỉ ra rằng mầm bệnh từ máu người truyền được cả cho tinh tinh. Từ đó, ông quyết tâm tìm ra loại virus bí ẩn, gây viêm gan "không phải A, cũng không phải B".
Việc xác định mầm bệnh mới trở thành ưu tiên hàng đầu. Các nhà khoa học sử dụng tất cả kỹ thuật "săn virus" truyền thống. Dù vậy, virus mới khéo léo lẩn tránh họ trong hơn một thập kỷ. Công việc gian nan sau đó được chuyển giao cho Michael Houghton, sinh năm 1950 tại Anh. Lúc đó, ông làm việc tại hãng dược Chiron.
Houghton và đồng nghiệp đã thu thập các đoạn DNA từ axit nucleic có trong máu của một con tinh tinh bị nhiễm bệnh. Phần lớn chúng đến từ bộ gene của chính tinh tinh, nhưng các nhà khoa học dự đoán một số đoạn có thể bắt nguồn từ virus. Họ sử dụng mẫu huyết thanh của bệnh nhân viêm gan để tìm kiếm DNA có cấu trúc giống với protein virus và đã thành công. Houghton đặt tên mầm bệnh là viêm gan C.
Việc phát hiện virus có ý nghĩa quyết định. Song còn một câu hỏi vẫn bỏ ngỏ: liệu mầm bệnh mới có thể gây ra viêm gan truyền nhiễm hay không? Nhiệm vụ lúc này thuộc về Charles Rice, sinh năm 1952 tại Mỹ, nhà nghiên cứu Đại học Washington ở St. Louis.
Ông phát hiện một bộ phận trong gene của virus viêm gan C có thể khiến chúng nhân lên. Rice quan sát biến thể trong mẫu virus cô lập. Thông qua kỹ thuật di truyền, ông tạo ra một đột biến của virus có chứa bộ phận mới được phát hiện.
Khi được tiêm vào gan của tinh tinh, virus di chuyển vào máu và gây ra các triệu chứng giống với người mắc bệnh mạn tính. Đây là mảnh ghép cuối cùng cho thấy riêng virus có thể gây ra bệnh viêm gan sau truyền máu.
Việc phát hiện virus viêm gan C của ba nhà khoa học là thành tựu mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm. Khám phá là tiền đề phát triển các bộ xét nghiệm máu độ nhạy cao, cải thiện đáng kể sức khỏe toàn cầu. Nghiên cứu cũng cho phép giới khoa học điều chế những loại thuốc kháng virus, nhắm vào bệnh viêm gan C. Lần đầu tiên trong lịch sử, căn bệnh có triển vọng được chữa khỏi.
Khi công bố giải thưởng hôm 5/10, Ủy ban Nobel nhấn mạnh nghiên cứu của ba nhà khoa học đã giúp cứu sống hàng triệu người.
Thục Linh (Theo Nobel Prize)