Khi đại dịch diễn biến phức tạp, giải Nobel Y Sinh (Y học hoặc Sinh lý học) nhận được sự quan tâm đáng kể. Một số thành viên của Hội đồng bình chọn, Hiệp hội Sinh lý Mỹ (APS) và chuyên gia tại Tạp chí Inside Science đã chia sẻ dự đoán của họ về công trình có thể nhận huy chương danh dự.
"Mặc dù quá trình lựa chọn chủ nhân giải Nobel được thực hiện bí mật, thảo luận về việc ai sẽ giành chiến thắng là cách tuyệt vời để cộng đồng sinh lý học phản ánh tầm quan trọng của nghiên cứu y khoa đối với những tiến bộ, đột phá hiện nay", tiến sĩ Dennis Brown, giám đốc Khoa học tại APS, nhận định.
Trong lĩnh vực y tế, các chuyên gia đặc biệt chú trọng đến những công trình tìm hiểu và điều trị ung thư thần kinh, nghiên cứu về cách hệ miễn dịch tấn công các tế bào nhiễm bệnh.
Các nhà khoa học nhắc đến công nghệ chỉnh sửa hệ gene CRISPR, hiện được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, từ cây trồng, vật nuôi, nông nghiệp, y học... Chủ nhân của công trình là Tiến sĩ Yoshizumi Ishino, Đại học Kyushu, Nhật Bản và Tiến sĩ Jennifer Doudna, Đại học California, Mỹ.
CRISPR cho phép giới nghiên cứu thay đổi trình tự DNA và sửa đổi chức năng của gene. "Với công nghệ đột phá này, các chuyên gia có thể thay thế đoạn gene khiếm khuyết, liên quan đến trạng thái bệnh tật nhất định (như thiếu máu hồng cầu hình liềm) bằng gene khỏe mạnh giúp ngăn ngừa hoặc chữa khỏi bệnh", Tiến sĩ Timothy Musch, Đại học Kansas, nhận định.
Chuyên gia của Tạp chí Inside Science chú ý đến nghiên cứu về tín hiệu của hệ miễn dịch do Pamela Bjorkman cùng đồng nghiệp Jack Strominger tiến hành. Cả hai tìm hiểu về về hình dạng tế bào T và cách tiêu diện các phiên bản "phản bội cơ thể" của chúng. Họ sử dụng tia X để giải quyết cấu trúc vật lý của các protein "MHC", nhô ra từ bề mặt tế bào.
Tuy nhiên, cộng đồng y học có thể do dự trong việc tôn vinh nghiên cứu này, bởi khám phá được xây dựng dựa trên công trình trước đó của Peter Doherty và Rolf Zinkernagel, hai nhà khoa học từng đoạt giải Nobel năm 1996. Đây là nghiên cứu vô cùng quan trọng, đặt nền móng cho các kiến thức hiện đại về hệ thống miễn dịch tế bào.
Tiếp đến là công trình nuôi cấy nội tạng mini từ tế bào gốc của các nhà khoa học Hans Clevers, Akifumi Ootani và Toshiro Sato. Trong những năm gần đây, nhóm nghiên cứu bắt đầu tiến hành phát triển tế bào gốc của con người, tạo ra các cơ quan mini phục vụ cấy ghép. Quá trình này được coi là cuộc cách mạng trong nghiên cứu y học, cung cấp giải pháp thay thế cho nuôi cấy mô động vật hoặc động vật thí nghiệm, thường được sử dụng trong nghiên cứu cận lâm sàng.
Nội tạng mini được dùng để kiểm tra phản ứng của con người với các loại thuốc, chất độc, lợi khuẩn hoặc mầm bệnh. Chất hữu cơ phát triển từ tế bào của chính bệnh nhân giúp tìm ra phương pháp điều trị thích hợp. Chất ở tế bào ung thư cho phép các nhà khoa học nghiên cứu căn bệnh theo cách mới.
Theo giới chuyên gia, nếu nghiên cứu về nội tạng mini được vinh danh ở giải Nobel, tiến sĩ Hans Clevers gần như chắc chắn sẽ nằm trong số người nhận giải. Cùng với cộng sự của mình là tiến sĩ Toshiro Sato, ông đã xuất bản một báo cáo mang tính bước ngoặt về lĩnh vực này.
Giải Nobel Y Sinh được quyết định bởi 50 thành viên Viện Karolinska, thường trao cho những phát hiện có tầm quan trọng với y học đời sống. Các khám phá phải thay đổi mô hình khoa học hiện đại, đem lại lợi ích đối với nhân loại. Theo quy chế của Ủy ban, đề cử cho từng hạng mục sẽ không được công khai trong vòng 50 năm tiếp theo.
Ngày 5/10, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska sẽ công bố giải Nobel Y Sinh. Do diễn biến của Covid-19, chủ nhân của giải thưởng năm nay sẽ không được nhận huy chương ở Stockholm, Thụy Điển như thường lệ. Họ sẽ lĩnh huy chương tại Đại sứ quán Thụy Điển trong nước hoặc nơi làm việc.
Thục Linh (Theo Inside Science, News Wise)