Ngọc ở quận 8 nhưng công việc đòi hỏi thường xuyên đi lại giữa các quận. Chiều 10/10, cô đi từ quận 3 về, xe đã cạn xăng, ghé vào cây gần nhà thấy chật kín người chờ đợi. Chờ hơn 30 phút chưa tới lượt, cô chạy lòng vòng tìm cây xăng khác nhưng mấy nơi đều treo biển "hết xăng". Chạy sang quận 7 với hy vọng kiếm được chỗ còn xăng nhưng đi được khoảng một km thì chiếc xe chết máy.
"Tôi chưa bao giờ gặp phải cảnh này", cô nói. Hơn 11h đêm đó Ngọc mới đổ được xăng nhưng cửa hàng chỉ bán cho mỗi xe 50.000 đồng. Những ngày sau đó, cảnh "chờ hoài mới đổ được xăng" liên tục tái diễn.
Ám ảnh chuyện hết xăng giữa đường, cô gái 27 tuổi quyết định chuyển sang đi xe ôm công nghệ để chủ động hơn trong công việc. "Biết là sẽ rất tốn tiền nhưng tôi chấp nhận", Ngọc, nữ nhân viên một công ty truyền thông nói. Cô tính, 5 triệu đồng tiền xe ôm đã hết 1/4 tháng lương, trong khi bình thường chỉ tốn gần một triệu đổ xăng.
Ngọc và hàng nghìn người dân đang chịu ảnh hưởng vì tình trạng khan hiếm xăng lan rộng trên nhiều tỉnh thành.
Khảo sát nhanh của phóng viên VnExpress ngày 31/10, trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7 có ba cây xăng, một treo biển "hết xăng còn dầu", hai nơi còn lại rất đông người xếp hàng chờ đợi. Trên quốc lộ 1A, hai cây xăng gần nhau thì một cây treo biển "hết xăng", một cây chỉ bán giới hạn 30.000 đồng mỗi xe.
Tại phiên họp kinh tế - xã hội tháng 10 chiều 1/11, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ báo cáo UBND TP HCM ngoài 108 cửa hàng thiếu xăng, có 4 cửa hàng đang xin ngưng để sửa chữa hoặc làm thủ tục đóng cửa. Khu vực ngoại thành - gồm các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và quận Bình Tân, quận 12 - có tình trạng trầm trọng hơn.
Trước đó, ngày 27/10, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM Nguyễn Thị Kim Ngọc cũng cho biết mỗi ngày, TP HCM có 9-10% cửa hàng xăng dầu có tình trạng hết hàng gián đoạn.
Tiến sĩ Hồ Quốc Thông, Khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế TP HCM nhận định, đại dịch Covid-19 và xung đột trên thế giới tác động kép đến thu nhập và đời sống của phần đông người lao động. Thêm vào đó, hệ lụy của sức ép lạm phát, giá xăng tăng, nay là tình trạng khan hiếm của thị trường xăng khiến khó khăn thêm chồng chất.
"Tình cảnh chờ đợi kéo dài ở các cây xăng và phân phối hạn mức gây mất thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý. Nhiều người bị ảnh hưởng đến thu nhập và chất lượng cuộc sống... chỉ vì chờ đến lượt đổ xăng, thậm chí chờ mà không đổ được", tiến sĩ Thông nói.
Trước thực trạng này, theo ông Thông, người dân sẽ phải chọn cách chịu đựng hoặc thay đổi thói quen để thích ứng. "Nhưng dù thích ứng theo cách nào, họ vẫn phải tăng thêm chí phí, thời gian và nguồn lực. Tổng chi phí tăng thêm hay tổn thất do tình trạng bất ổn của thị trường xăng dầu đến xã hội là rất lớn", chuyên gia nói.
Ông Thông lưu ý, chi phí không chỉ là tiền bạc mà cả thời gian, công sức, cơ hội mất đi sẽ tạo ra những tác động về tâm lý và tinh thần khác, thậm chí là rủi ro về mặt xã hội.
Thiệt hại mà anh xe ôm công nghệ Nguyễn Văn Hiếu, 40 tuổi, phải chịu là một ví dụ. Thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe máy, nhưng nhiều ngày liên tiếp, anh Hiếu xếp hàng nửa tiếng chỉ đổ được 30.000 đồng tiền xăng. Khách gọi nhưng đang bận xếp hàng hoặc không đủ xăng chạy quãng đường cho phép, anh buộc phải tắt ứng dụng hai giờ.
"Chờ đợi là mất thời gian mà tắt app nhiều là ảnh hưởng thu nhập. Không tắt lỡ người ta chờ tội nghiệp", anh nói. Mới gần một tháng nhưng thu nhập của anh đã giảm khoảng 1/3 giống như nhiều đồng nghiệp khác, chỉ vì thường xuyên phải "tắt app, chạy tìm chỗ đổ xăng".
Cũng đang phải học cách thích ứng, gần một tháng nay, anh Nguyễn Trung Tuấn 40 tuổi, ở quận Tân Bình đặt chuyện đổ xăng lên ưu tiên hàng đầu. "Chưa hết tôi cũng đổ. Cứ lúc nào có thời gian rảnh chút là tôi ghé cây xăng", anh nói, sau một lần gần nửa đêm mới đổ được đầy bình xăng cho mình và vợ.
Anh Đỗ Văn Điền ở Dĩ An, Bình Dương đã chuyển sang đi xe đạp điện ba tuần nay. Con anh cũng đi xe đạp đến trường thay vì người thân đưa đón. "Vừa đỡ thời gian vừa bảo vệ môi trường", người đàn ông làm việc cho một ngân hàng ở Thuận An, nói.
Trên nhóm ''Đạp xe đi làm" những ngày qua, nhiều thành viên cho biết sẽ chọn xe đạp làm phương tiện đi làm, khi xăng tăng giá lại hiếm. Những bài viết như vậy nhận được nhiều bình luận hưởng ứng. Chị Lê Phương Chi (Hà Nội) quản trị viên của nhóm cho biết, chỉ tính từ tháng 7 đến nay, thành viên của nhóm đã tăng hơn 1.000.
"Dù những người tham gia nhóm chưa hẳn sẽ đạp xe, chứng tỏ đã họ đã quan tâm hơn đến phương tiện này, trong thời điểm tình trạng xăng khan hiếm xuất hiện'', chị nói.
Nguyễn Hoài Nam, 30 tuổi, làm cho một công ty công nghệ nước ngoài tại TP HCM, chuyển sang làm online tại nhà. Anh kể, khoảng thời gian đầu tháng 10 thật sự khủng hoảng. Nam sống ở Nhà Bè, mỗi sáng anh phải chạy xe mất gần 10 km đến công ty ở quận 10. Vì đi làm xa nên anh luôn chuẩn bị xăng đầy bình.
Hôm 9/10, anh Nam đoán giờ tan tầm sẽ rất đông người tiện đường đi làm về sẽ ghé đổ xăng nên chọn phương án ở lại công ty làm thêm giờ. Anh đợi thật muộn mới đi đổ xăng để đỡ phải chờ, không ngờ đến nơi, nơi thì hết sạch, nơi thì đông nghịt người xếp hàng. Nam đánh liều, đợi chạy thẳng về nhà sáng hôm sau đổ. Nhưng tình cảnh không khác đêm trước là bao. "Tôi xếp hàng cả tiếng chỉ đổ được 50.000 đồng. Hôm đó tôi trễ làm", anh than thở.
Ngày nào cũng phải xếp hàng đổ xăng, vừa bực bội vừa ảnh hưởng đến công việc chung, Nam xin công ty cho làm việc tại nhà.
Tiến sĩ Hồ Quốc Thông cho rằng không có giải pháp chung cho tất cả để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ xăng khan hiếm. "Mọi người nên tính đến các phương án như đi ghép, hạn chế đi lại không cần thiết, dùng phương tiện công cộng...", ông Thông gợi ý.
Ngân Ngọc cho biết, nếu tình trạng xăng khan hiếm kéo dài, cô vẫn sẽ đi xe ôm, chấp nhận mất 5 triệu đồng tiết kiệm mỗi tháng.
Minh Tâm - Phạm Nga