Năm 1988, khi mới tiếp nhận nhiệm vụ thành lập công ty vàng, bà Dung rất lo lắng bởi chưa có kiến thức gì về ngành này. Thế rồi, Công ty PNJ vẫn ra đời và cho ra miếng vàng Phượng Hoàng năm 1989, tồn tại song song với miếng Rồng Vàng của SJC.
Tuy nhiên, năm 1992, UBND TP HCM có chủ trương hóa giá nhà tính bằng vàng SJC, giúp thương hiệu này có lợi thế lớn của một phương tiện thanh toán chính thức. "Nếu lúc này PNJ cũng tập trung đầu tư vào vàng miếng, nhất định sẽ không thể cạnh tranh được với SJC. Vì thế, tôi quyết định dồn toàn lực sang hướng phát triển ngành vàng nữ trang còn vàng miếng chỉ là thứ yếu", nữ CEO chia sẻ.
Khi sản xuất vàng nữ trang, phần lớn các công ty khác đều hợp tác với chủ hiệu vàng tư nhân để lấy kinh nghiệm. Riêng bà Dung lại nghĩ rằng, nếu dựa vào người khác sẽ khó lớn lên được và quyết định tự làm. Lúc đó, trong nước không có một trường lớp nào dạy về ngành vàng nữ trang, mọi thông tin đều phải tự mày mò.
Tổng giám đốc PNJ Cao Thị Ngọc Dung. Ảnh: NVCC |
Bà Dung tìm những người quen của gia đình có kinh nghiệm kinh doanh ngành kim hoàn, thuê mướn kỹ thuật viên có tay nghề... để tự học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, công tác hạch toán của ngành kinh doanh đặc biệt này cũng là một vấn đề khá rắc rối, phải giải bài toán làm sao để đảm bảo nguồn vốn bằng vàng và đạt được lợi nhuận. Giá vàng lại tăng giảm hàng ngày hàng giờ khiến vị thủ lĩnh trẻ mất ăn mất ngủ khi tìm ra lời giải.
Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn nhất với nữ doanh nhân này là lúc thực hiện ý tưởng đưa ngành nữ trang thủ công theo hướng công nghiệp hóa. Bà Dung được TP HCM giới thiệu hợp tác với một công ty nước ngoài, nhưng vì thấy sự hợp tác này không có lợi nên một lần nữa CEO PNJ quyết định tự đi lên bằng nội lực.
Khẩn trương bắt tay vào việc nhập khẩu dây chuyền máy móc thiết bị, nhưng người ta chỉ bán cho bà máy móc chứ không chuyển giao công nghệ. Để tìm cách vận hành, bà lại phải tự tìm đến các nước có thế mạnh về ngành công nghiệp kim hoàn để học hỏi kinh nghiệm. “Nghề sẽ dạy nghề", nữ tướng PNJ bộc bạch.
Thử nghiệm cả năm trời PNJ mới tạo ra được những sản phẩm nữ trang đầu tiên sản xuất theo mô hình công nghiệp. Nhưng có sản phẩm rồi thì gặp vấn đề về thị trường thị trường tiêu thụ. Vì đây là sản phẩm nữ trang cao cấp, có độ nét cao nên tỷ lệ hao hụt lớn, khiến giá thành cũng cao hơn các thương hiệu khác.
Cũng có lúc bà cảm thấy nản lòng nhưng nhờ vào sự động viên và giúp đỡ của Chủ tịch Hội đồng Vàng thế giới Khu vực châu Á, nữ doanh nhân này vẫn kiên trì với con đường của mình. Chủ tich Hội đồng Vàng thế giới Khu vực châu Á phân tích, các nước khác muốn thành công trong ngành này đã phải trải qua mấy chục năm. PNJ mới bắt tay vào làm thì chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn buổi đầu. "Bà đang đi đúng đường thì cứ mạnh dạn bước đi", vị chủ tịch Hội đồng vàng kết luận.
Sau 5 năm, một xí nghiệp sản xuất nữ trang theo quy trình công nghiệp thực sự hình thành, cùng với đó là một mạng lưới phân phối rộng lớn đưa PNJ thành thương hiệu nữ trang hàng đầu tại Việt Nam.
Nữ tướng PNJ đang thăm xưởng nữ trang. Ảnh: NVCC. |
Năm 2011, khó khăn lớn nhất đối với ngành vàng là sự không ổn định của kinh tế thế giới và trong nước khiến giá vàng bất ổn. Nhiệm vụ của người kinh doanh phải canh theo giá vàng để kịp ứng phó. Đặc biệt, những thời điểm sốt giá, bà phải đưa ra những quyết định mang tính sống còn. "Cái khó của người lãnh đạo trong ngành này là phải làm sao vừa kinh doanh nhưng phải đảm bảo được giá trị nguồn vốn của mình không bị sụt giảm", bà nói.
Hiện nay, mặc dù vàng miếng PNJ chỉ là phần thứ yếu trong hoạt động kinh doanh của công ty nhưng nó vẫn là một thương hiệu uy tín trên thị trường được bà dày công vun đắp. Trong tương lai có thể sản phẩm ấy sẽ không còn tồn tại theo cơ chế chính sách mới khiến nữ tướng PNJ không khỏi chạnh lòng. Tuy nhiên, bà cho rằng, thiệt thòi của công ty thì chắc chắn có nhưng sẽ tìm cách bù đắp sau. Quan trọng là phải biết hy sinh cho quyền lợi của quốc gia.
Bà tâm sự, có những lúc kinh doanh vàng miếng lãi hơn cả triệu đồng một lượng nhưng trong lòng không vui, bởi điều đó phản ảnh sự bất thường. Như vậy lợi nhuận chỉ tập trung cho một số ít (trong đó có PNJ) nhưng lại gây bất ổn cho nền kinh tế và sự thiệt thòi của người dân.
Dành phần lớn thời gian vào công việc và dấn thân vào các hoạt động cộng đồng, bà Dung dường như quên việc tìm niềm vui riêng cho mình. Bù lại, nữ tướng PNJ may mắn có người chồng (Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - Trần Phương Bình) là bạn tri kỷ, luôn động viên, khuyến khích bà vượt qua mọi sóng gió trong công việc và cuộc sống. Ngoài ra, ba cô con gái cũng là nguồn vui rất lớn của nữ doanh nhân này.
Để thành công trong một môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, Tổng giám đốc PNJ Cao Thị Ngọc Dung cho rằng, quan trọng nhất là yếu tố tự giải tỏa trong tâm trí mình. Ngoài ra, người làm kinh doanh đừng bao giờ nhìn mọi việc bằng cái nhìn hoàn hảo và phải luôn sẵn sàng chấp nhận khó khăn thì áp lực sẽ trở nên nhẹ đi.
Nữ doanh nhân cũng không quên đúc kết, bản lĩnh bao giờ cũng làm nên sự khác biệt của mỗi người. Khi muốn làm điều gì, các bạn trẻ phải xác định được mục tiêu rõ ràng rồi thiết lập con đường đi để chinh phục. Trên con đường ấy sẽ luôn gặp những khó khăn nhưng mình phải biết nhìn thẳng vào nó để vượt qua và thẳng tiến đến mục tiêu.
Danh sách 30 gia đình giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam
Lệ Chi
Những người giàu trên sàn chứng khoán Taichinh.vnexpress.net + Huy động vốn kiểu Phạm Nhật Vượng - Taichinh.vnexpress.net + Đặng Thành Tâm: 'Cứ đi thì sẽ đến- Taichinh.vnexpress.net + Chủ đảo Kim Cương dám chia khó khăn với đối thủ - Taichinh.vnexpress.net + Triết lý kinh doanh của chủ Tập đoàn Hoa sen - Taichinh.vnexpress.net + Sếp PNJ Cao Thị Ngọc Dung 'mạnh mẽ hơn đàn ông' - Taichinh.vnexpress.net |