Nhận thấy bệnh suy giảm trí nhớ tại Việt Nam ngày càng gia tăng, nhất là "bệnh lẫn" ở người già mà chưa có thuốc điều trị, tiến sĩ Trần Phương Thảo (33 tuổi, giảng viên Bộ môn Hóa dược, Đại học Dược Hà Nội) mong muốn tìm ra thuốc trị tận gốc bệnh Alzheimer.
Alzheimer là căn bệnh suy giảm chức năng não bộ, khoa học thế giới hiện chưa tìm ra thuốc điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh mà chỉ điều trị được triệu chứng, tức là làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ và nhận thức của người bệnh.
Chị Thảo cho biết, ý tưởng nghiên cứu về bệnh Alzheimer "bén duyên" với chị từ khi còn làm luận án tiến sĩ ở Hàn Quốc năm 2011. Ban đầu chị còn băn khoăn vì đây là hướng đi đầy khó khăn, bởi các nước với trang thiết bị hiện đại vẫn chưa tìm ra thuốc cho bệnh này. Chị nghĩ "nếu ai đó tìm ra có lẽ sẽ có giải Nobel cho họ".
Với quyết tâm tìm ra thuốc trị bệnh, về Việt Nam từ năm 2015 đến nay chị theo đuổi hướng nghiên cứu này. Trải qua nhiều năm thí nghiệm phân tích, thử nghiệm chị đã tìm ra một số dẫn chất có khả năng gây ức chế enzyme Glutaminyl cyclase - một trong các tác nhân gây ra bệnh Alzheimer.
Tuy nhiên, nữ khoa học chia sẻ từ nghiên cứu ra một hoạt chất tiềm năng trong phòng thí nghiệm tới khi hoạt chất đó thành thuốc sử dụng trong điều trị lâm sàng là chặng đường rất dài. Bởi còn có nhiều giai đoạn và yếu tố cần thiết như thời gian, kinh phí, điều kiện vật chất, quy định pháp lý...
Một chất có hoạt tính tốt sẽ được thử nghiệm in vitro (thử nghiệm trong ống nghiệm, ngoài cơ thể sống) và sau đó là trên chuột, thỏ, chó... Nếu có hiệu quả nhất định thì mới định hướng nghiên cứu trên người.
Chia sẻ về khó khăn, tiến sĩ Thảo nói làm khoa học đã khó, nhưng với phụ nữ càng khó hơn khi vừa phải làm tốt công việc và lo toan gia đình. Chị kể có hôm ở phòng thí nghiệm tới khuya, về nhà thì con đã ngủ. Nhiều lần thử nghiệm các chất thất bại khiến chị nản chí, nhưng sự động viên của gia đình giúp chị vượt qua tất cả.
Năm 2017, chị nhận được học bổng nhà khoa học tài năng do Hội đồng giải thưởng quốc tế L’Oreal -UNESCO vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học trao tặng.
"Nếu nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp trong quá trình thực hiện chưa thể thành thuốc thì nó sẽ là kinh nghiệm để tôi tiếp tục công việc và vươn tới thành công ở chặng đường tiếp theo”, chị Thảo nói và nhắn nhủ giới trẻ cần theo đuổi đam mê đến cùng.
Tiến sĩ Trần Phương Thảo có 14 bài báo công bố trên tạp chí SCI, là báo cáo viên tại 7 hội thảo quốc tế chuyên ngành (AIMEC 2015, TETW2014, PSK2013...), là đồng tác giả của 13 bài báo tạp chí quốc gia và quốc tế, đồng sở hữu ba bằng phát minh sáng chế (patent). Ngoài ra, chị còn đang chủ trì một đề tài cấp Nhà nước (Nafosted) và là thư ký khoa học, thành viên nghiên cứu chủ chốt của ba đề tài cấp Nhà nước khác.