Quá trình nghiên cứu 15 loài cây lá kim ở Tây Nguyên, các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã phát hiện cây đỉnh tùng có hoạt tính sinh học mạnh với các tế bào không có lợi cho con người.
Nhóm nghiên cứu lựa chọn các cây: đỉnh tùng, thông lá dẹt, kim giao núi đất và du sam núi đất để phân lập, tìm kiếm hợp chất có giá trị cho y học. Trong số 33 hợp chất từ bốn loài cây này có hai chất galangnin và isolariciresinol lần đầu tiên được phát hiện ở cây thông lá dẹt và một chất mới Norisoharringtonine từ vỏ cây đỉnh tùng.
Chất mới phát hiện từ cây đỉnh tùng có khả năng ức chế mạnh khi thử nghiệm trong phòng thí nghiệm lên các dòng tế bào ung thư biểu mô (KB), ung thư gan (Hep-G2), ung thư phổi (LU) và ung thư vú.
PGS Đinh Thị Phòng (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, chủ nhiệm đề tài) cho biết, nhiều loài cây trong tự nhiên có chất kháng một số dòng tế bào ung thư nhưng hoạt tính không mạnh và có thể suy yếu khi tác động lên tế bào ung thư khi thử nghiệm pilot. Riêng hoạt chất Norisoharringtonine có tác dụng ức chế rất mạnh với bốn dòng tế bào ung thư nêu trên.
Dẫu vậy để ứng dụng nghiên cứu vào sản xuất thuốc là cả một chặng đường dài. Sau kết quả ở phòng thí nghiệm, hoạt chất mới cần qua các bước thử nghiệm trên chuột và lâm sàng trên người.
Một khó khăn nữa là nguyên liệu đầu vào vô cùng khan hiếm do hoạt chất mới chỉ có hoạt tính mạnh khi tách chiết từ cây trưởng thành từ 5-10 năm tuổi. Trong khi, cây đỉnh tùng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tỉnh Lâm Đồng hiện chỉ còn 34 cây đỉnh tùng, trong đó có năm cây trưởng thành.
Đây là kết quả đề tài nghiên cứu tính đa dạng nguồn gen di truyền và thành phần hóa học một số loài lá kim ở Tây Nguyên, đề xuất giải pháp bảo tồn, sử dụng. Đề tài thuộc chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên 3) - đã nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc đầu năm 2017. Cây đỉnh tùng - tên khoa học Cephalotaxaceae - là một loài thực vật cổ. Cây mọc rải rác trong tầng cây gỗ nhỏ hay tầng cây bụi trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm, ở độ cao khoảng 600 - 1.500 m, nơi có ít ánh sáng, trên tầng đất dày và ẩm. Ở Việt Nam cây đỉnh tùng phân bố tại Hà Tây (Ba Vì), Thanh Hóa (Lũng văn), Quảng Trị (giữa Hòn Rao và A Dua), Thừa Thiên Huế, Kontum (Đắc Glây, Đắc Tô: Ngọc Pan, Sa Thầy), Gia Lai, Lâm Đồng (Di Linh: núi Braian). Đảo Hải Nam (Trung Quốc) cũng phát hiện có đỉnh tùng. Gỗ đỉnh tùng có chất lượng cao, chịu mối mọt, được sử dụng làm đồ mỹ nghệ cao cấp. Hạt có dược tính, còn vỏ đỉnh tùng Hải Nam dùng chữa sốt (Tripp, 1995). |