Tiến sĩ Hà Phương Thư về nước sau nhiều năm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) và Trung tâm Năng lượng Nguyên tử CEA (Pháp). Hiện bà giữ chức Trưởng phòng vật liệu nano y sinh, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Cơ duyên khiến Tiến sĩ Thư theo đuổi ngành dược liệu hỗ trợ điều trị ung thư xuất phát từ thực tế cuộc sống. Tiến sĩ Thư chia sẻ: "Tôi có một người bạn thân là nhà báo, đang độ tuổi đẹp nhất, sự nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc, bỗng nhiên nhận tin dữ, ung thư vú di căn xương. Tôi thấy bao nhiêu giọt nước mắt, nỗi đau thể xác lẫn tinh thần của bạn và gia đình trên con đường giành giật lại sự sống từ tay tử thần. Tôi luôn tự hỏi mình, phải làm gì đó từ công nghệ nano, để cứu giúp các bệnh nhân ung thư khao khát sống như bạn tôi".
Trăn trở chế tạo sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư từ nguồn thảo dược trong nước, giúp bệnh nhân ung thư nâng cao thể trạng theo bà từ lâu. Năm 2012, Tiến sĩ Thư công bố đề án "Nghiên cứu quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc nano lên tế bào ung thư" trên các tạp chí khoa học quốc tế. Đề án mang về cho bà học bổng quốc gia "Loreal UNESCO - Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học".
Ý tưởng đề án là sử dụng các vật liệu kích thước nano, tạo thành phức hệ nano đa chức năng, kết hợp nhiều hoạt chất nhằm hiệp đồng tác dụng, tăng hiệu quả tác động đối với tế bào ung thư, tránh gây hại tế bào lành.
Về nước, Tiến sĩ Thư tiếp tục phát triển công ngệ phức hệ Nano FGC. Năm 2016, bà chế tạo thành công hệ dẫn gồm 3 chất Curcumin (nghệ), Fucoidan (tảo biển nâu), Saponin Notoginseng (tam thất) ở kích thước nano.
Tiến sĩ Thư cho biết, Curcumin, Fucoidan, Saponin Notoginseng là 3 hoạt chất có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị ung thư. Tuy nhiên, việc dùng trực tiếp không mang lại hiệu quả, vì Curcumin khó tan và hấp thu kém, còn hàm lượng Notoginseng trong tam thất thấp. So với dùng riêng lẻ 3 loại thảo dược, việc sử dụng phức hệ Nano FGC sẽ mang lại hiệu quả vượt trội hơn.
Kết quả nghiên cứu được công bố tại hội thảo khoa học ngày 11/10, do Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam tổ chức. Tại sự kiện, Tiến sĩ Hà Phương Thư và Viện Khoa học Vật liệu cũng ký kết chuyển giao nguồn nguyên liệu phức hệ Nano FGC cho Công ty Dược mỹ phẩm CVI, nhằm nhân rộng ứng dụng tới nhiều người bệnh.
"Điểm đột phá của phức hệ Nano FGC là sử dụng dược liệu tự nhiên của Việt Nam gồm tam thất, nghệ vàng và rong biển. Công nghệ này giúp cải thiện độ tan, bảo vệ hoạt chất khỏi các rào cản sinh học, tăng sinh khả dụng, tập trung hoạt chất tại vùng khối u thông qua 2 cơ chế hướng đích thụ động và chủ động", Tiến sĩ Thư cho biết.
Bước đầu, sản phẩm ứng dụng phức hệ Nano FGC được thử nghiệm tại Học viện Quân y trên dòng tế bào ung thư vòm họng, vú, phổi, gan và tuyến tiền liệt. Kết quả cho thấy, phức hệ Nano FGC có tác dụng ức chế khối u phát triển, tăng tỷ lệ sống sót, tăng đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu so với nhóm chứng.
An San