Nellie không chỉ chấp nhận thử thách mà còn quyết định giả bệnh tâm thần để được nhập viện và điều tra cách điều trị bệnh nhân. Với hành động dũng cảm và táo bạo này, Nellie Bly trở thành một trong những nhà báo nữ xuất sắc nhất lịch sử.
Nellie Bly tên thật là Elizabeth Jane Cochran, sinh ngày 5/5/1864 trong gia đình giàu có ở Cochran, Pennsylvania. Cha mất khi Nellie 6 tuổi, kinh tế suy sụp khiến mẹ cô phải chuyển nhà đến Pittsburgh.
Khi đang theo học tại Cao đẳng Sư phạm Indiana, khủng hoảng tài chính của gia đình khiến cô đành bỏ học, giúp mẹ quản lý nhà trọ.
Năm 1885, Nellie đọc một bài báo trên tờ Pittsburgh Dispatch nội dung "vị trí của phụ nữ là ở trong nhà, để trở thành người bạn giúp đỡ của đàn ông". Dưới bút danh "Cô gái mồ côi cô đơn", Nellie gửi một bức thư đầy những lời giận dữ đến tờ báo để phản đối.
Biên tập viên của tờ báo ấn tượng với bức thư đến nỗi đã xuất bản nguyên văn và yêu cầu "Cô gái mồ côi cô đơn" tiết lộ danh tính thật. Nellie đến toà soạn và giới thiệu bản thân và biên tập viên ngay lập tức đề nghị cô giữ chức trưởng ban một mục.
Nellie sau đó sử dụng bút danh Nellie Bly, theo tên một bài hát nổi tiếng.
Nellie tự định hình mình là phóng viên điều tra. Để thu thập thông tin, cô xin vào một nhà máy để trải qua điều kiện làm việc không an toàn, lương thấp. Cô đóng giả nhân viên cửa hàng bán đồ may mặc để phơi bày điều kiện làm việc tồi tệ của phụ nữ.
Các phóng sự điều tra nhập vai của cô về sự khủng khiếp của cuộc sống công nhân đã thu hút sự chú ý tiêu cực từ các doanh nghiệp địa phương. Song tổng biên tập của Nellie không muốn chọc giận giới thượng lưu của Pittsburgh. Ông nhanh chóng bổ nhiệm cô phụ trách chuyên mục xã hội, chuyên viết về hôn nhân gia đình và chuyện yêu đương, phụ nữ.
Để thoát khỏi công việc nhàm chán này, Nellie tình nguyện du lịch đến Mexico trong sáu tháng và viết cuốn Six Months in Mexico, xuất bản năm 1888. Trong đó, cô kể lại các khám phá về con người và phong tục của đất nước này. Khi trở về, cô lại bị phân vào trang xã hội nên lập tức dứt áo ra đi.
Nellie hy vọng ngành công nghiệp báo chí đồ sộ của thành phố New York sẽ cởi mở hơn với một nữ nhà báo và do đó, cô rời Pittsburgh. Dù bị một số tờ báo từ chối vì là phụ nữ, nhưng cuối cùng đã được trao cơ hội viết cho New York World của Joseph Pulitzer.
Nhiệm vụ đầu tiên Pulitzer dành cho cô gái 23 tuổi là giả điên để vào Viện tâm thần Blackwell, thuộc Manhattan, điều tra những điều kiện sống khắc nghiệt và việc tra tấn bệnh nhân. Ông sếp Pulitzer cảnh báo cô về việc "không có gì đảm bảo có thể thoát được ra". Blackwell, nổi tiếng là bệnh viện tâm thần "kinh dị, nghiệt ngã đầy dịch bệnh, một nhà tù và nhà tị nạn".
Nhiệm vụ sau này được các nhà phê bình đánh giá "gây kinh sợ ngay cả đấng nam nhi". Nhưng Nellie đã nhận mà không do dự.
Cuối tháng 9/1887, Nellie bắt đầu hoá trang vào vai phụ nữ loạn trí, áo quần rách rưới tóc tai rối bù, vờ rằng đến từ Cuba và nói những câu lẩn thẩn vô nghĩa khi lê lết ngoài phố. Mưu mẹo phát huy tác dụng.
Trong 10 ngày, Nellie sống cạnh những phụ nữ muốn tự tử, bạo lực và rối loạn tâm thần, cũng như những người hoàn toàn bình thường bị giam nhầm vào viện. Cô trải qua những bữa ăn với bánh mì "cứng như đồng" được phết bơ ôi cùng "lộn nhộn những con vật chết không rõ đã bao nhiêu ngày". Các bệnh nhân không được nói chuyện hay đi lại và buộc phải tắm nước đá lạnh trong nước bẩn. 45 phụ nữ dùng chung một chiếc khăn lau người.
"Răng tôi kêu và chân tay tôi nổi da gà, xanh tái vì lạnh rồi đột nhiên bị ba xô nước đá lạnh dội lên đầu. Tôi nghĩ rằng đã trải qua cảm giác của một người chết đuối và thật sự như bị loạn trí", cô viết.
Nellie đã nói chuyện với nhiều phụ nữ nhất có thể. Trong đó, có cả người lành mạnh bị tống vào đây, đơn giản vì họ là người nhập cư không hiểu tiếng Anh. Họ khóc khi bị các y tá đánh đập, trói tay chân để ném vào bồn nước lạnh. Với những bệnh nhân chống cự quá đà, nhân viên ở đây sẽ dùng đến cách ít tốn sức hơn là tiêm những liều morphin vô độ.
Kiệt sức và đói khát, nữ phóng viên được các luật sư sắp xếp để được thả ra. Nellie sôi sục quyết tâm viết về những gì đã thấy.
Hai ngày sau khi được thả, 9/10/1887, tờ New York World đã in phần đầu tiên của loạt ảnh minh họa gồm hai phần của Nellie trên trang nhất của chuyên san cuối tuần. Những tiêu đề chói tai của phần thứ hai đã thu hút độc giả: "Bên trong nhà thương điên", "Nỗi kinh hoàng của những bồn tắm nước lạnh và những cô y tá tàn nhẫn"...
Lời kể ngôi thứ nhất về hành vi lạm dụng của cô đã gây chấn động dư luận. Các nhà phê bình đánh giá: "Để thành công trong việc vờ điên và tồn tại để viết về điều đó là kỳ tích phi thường".
Câu chuyện bùng nổ đến mức các tờ báo cạnh tranh đã đưa ra các bài tường thuật ăn theo về việc Nellie đã thành công như thế nào trong công việc nguy hiểm này.
Các quan chức thành phố bắt đầu điều tra viện tâm thần này. Một tháng sau, một ban bồi thẩm đoàn lớn đã cùng Nellie đến thăm trại tị nạn. Nhưng đã quá trễ, sau loạt phóng sự của cô, các lãnh đạo cơ sở điều trị này đã quét dọn sạch sẽ và cung cấp cho bệnh nhân những thức ăn tốt hơn nhiều.
Nhưng bất chấp sự che đậy, bồi thẩm đoàn vẫn tin những gì Nellie đã viết và những bệnh nhân khai. Ngay sau chuyến thăm, các quan chức đã bổ sung gần một triệu USD vào ngân sách của khu điều trị Blackwell - số tiền khổng lồ cho năm 1887.
Bộ truyện gồm hai phần của cô đã được phát hành dưới dạng sách hai tháng sau đó, có tên Mười ngày trong nhà thương điên.
Cuộc điều tra bí mật của Nellie mở đường cho phụ nữ trong ngành báo chí và nâng tầm báo chí điều tra nghiêm túc. Cô tiếp tục phanh phui việc lạm dụng phụ nữ của các sĩ quan cảnh sát nam, vạch trần các chính trị gia tham nhũng.
Sự nghiệp đấu tranh vì bình đẳng giới của Nellie lên một tầm cao mới năm 1889 khi cô quyết định đi du lịch vòng quanh thế giới. Ý định của Nellie là đánh bại kỷ lục của nhân vật hư cấu của Jules Verne trong cuốn tiểu thuyết Vòng quanh thế giới trong 80 ngày.
Cô cũng muốn chứng minh rằng phụ nữ cũng có khả năng đi du lịch, "nếu không muốn nói là tốt hơn nam giới". Cô chỉ mang theo chiếc váy đang mặc, một chiếc áo choàng và túi du lịch nhỏ.
Cô đã thách thức giả định khuôn mẫu rằng phụ nữ không thể đi du lịch mà không có nhiều vali, quần áo thay đổi và các vật dụng trang điểm. Sự thành công của chuyến đi vòng quanh thế giới chỉ trong 72 ngày khiến cô trở thành nhân vật nổi tiếng toàn cầu.
Khi trở lại, cô ấy mong đợi một phần thưởng hoặc sự công nhận. Nhưng Joseph Pulitzer hầu như không tỏ thái độ. Đáp lại, Nellie quyết định rời New York World.
Năm 1895, ở tuổi 31, Nellie nghỉ việc viết văn và kết hôn với Robert Livingston Seaman, triệu phú công nghiệp hơn 40 tuổi. Sau cái chết của chồng vào năm 1904, bà nắm quyền lãnh đạo công ty, bắt đầu cho sản xuất thùng dầu thép 55 gallon đầu tiên, đã phát triển thành loại tiêu chuẩn được sử dụng ngày nay.
Trong thời gian phụ trách công ty, bà cũng đã thực hiện các cải cách xã hội của mình và các nhân viên được hưởng một số đặc quyền chưa từng có vào thời điểm đó, bao gồm phòng tập thể dục, thư viện và chăm sóc sức khỏe.
Năm 1911, bà trở lại nghề báo, viết cho tờ New York Evening Journal. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, bà đã đến châu Âu với tư cách là phóng viên chiến trường đầu tiên của thế giới. Bà qua đời vì bệnh viêm phổi, ngày 27/1/1922, khi 57 tuổi.
Hải Thư (Theo Washington Post, NYhistory, Women History, Britanica)