Năm 1873, đại văn hào Pháp Jules Verne ra mắt cuốn tiểu thuyết phiêu lưu cổ điển Vòng quanh thế giới trong 80 ngày. Dù chỉ là một tiểu thuyết viễn tưởng, nhân vật chính Phileas Fogg tận dụng mọi thành tựu công nghệ mới của thế kỷ 19 từ tàu thủy hơi nước, ôtô, cho đến tàu hỏa - những phương tiện tồn tại vào thời điểm đó - để đi vòng quanh thế giới. Nhưng một phụ nữ can đảm mới chính là người đầu tiên biến chuyến phiêu lưu này thành sự thật.
Người tiên phong
Elizabeth Jane Cochrane, với bút danh Nellie Bly (sinh năm 1864), vốn gây dựng danh tiếng là nhà báo điều tra đầu tiên của thế giới. Cô từng vào vai những nữ công nhân nhà máy, tự đưa mình vào trại tâm thần trong mười ngày để điều tra - mở ra một biên giới mới của báo chí điều tra. Sau khi đọc tiểu thuyết của Verne, Bly tiếp cận biên tập viên của mình tại tòa soạn báo World tại New York với một ý tưởng táo bạo: Nếu ông cho phép, cô sẽ thực hiện chuyến đi và ghi chép trải nghiệm của mình cho tờ báo.
John A. Cockerill, chủ bút tờ World, hứng thú với đề xuất của Bly, nhưng giám đốc kinh doanh không dễ bị thuyết phục. Chưa một ai, bất kể là phụ nữ hay đàn ông, từng thực hiện hành trình ở tầm cỡ như Bly hướng đến, dù cô khẳng định mình có thể độc hành. Những sếp nam của tòa soạn không tin vào khả năng thành công của một người phụ nữ, đề cử một người đàn ông đi thay. Bly trả lời: "Tốt lắm. Hãy cho một người đàn ông lên đường, tôi sẽ khởi hành vào cùng ngày cho một tờ báo khác và đánh bại anh ta". Cuối cùng, các biên tập viên phải nhún nhường.
Lên đường
Bly lên kế hoạch và đóng gói hành lý vô cùng gọn nhẹ. Đối lập với đống hành lý cồng kềnh mà các biên tập viên dự đoán cô sẽ phải mang theo, Bly chỉ có một chiếc túi duy nhất - rộng 40 cm, cao 17 cm. Chiếc túi nhỏ đến mức dễ dàng vượt qua mọi quy định về hành lý ký gửi của các hãng bay ngày nay, Bly đựng vài bộ đồ nội y, đồ tắm, giấy bút, một chiếc váy, một áo khoác chơi tennis, một bình đựng nước, một cái ca, hai chiếc mũ, ba khăn trùm đầu, một đôi dép đi trong nhà, kim chỉ, và vài chiếc khăn mùi soa.
Bly không chuẩn bị bất kỳ chiếc váy dự phòng nào. Khoảnh khắc duy nhất cô nhượng bộ với sự phù phiếm là mang theo một hũ kem dưỡng ẩm. Cô từ chối lấy một khẩu súng lục, với niềm tin rằng "thế giới chào đón tôi như cách tôi chào nó".
Hậu thuẫn về tài chính và một bài báo trên trang nhất vào ngày Bly khởi hành, tòa soạn World tiễn cô lên đường từ bến cảng Hoboken tại New Jersey. Ngay từ đầu, Bly đã đúng giờ: đánh dấu thời khắc khởi hành trên con tàu Augusta Victoria vào 21 giờ 40 phút 30 giây vào 14/11/1889. Bly đầy tham vọng khi không chỉ muốn bắt kịp kỷ lục vòng quanh thế giới trong 80 ngày của Phileas Fogg, mà còn muốn phá kỷ lục, với hy vọng không dành quá 75 ngày 4 giờ trên đường.
Khởi đầu sóng gió
Người tính không bằng trời tính. Khởi đầu của Bly không thuận lợi như mong đợi, bởi cô - người lần đầu đi xa - bị say sóng nặng trên con tàu vượt qua Đại Tây Dương đến London. Chỉ cần nhìn thấy đồ ăn là cô đã buồn nôn, còn những hành khách cùng chuyến không ngớt xì xào về người phụ nữ say sóng đến xanh mặt muốn đi khắp thế giới.
Cố gắng để quên đi cơn say sóng, Bly ngủ li bì. 22 tiếng sau, cô thức dậy khi nghe thấy tiếng gõ cửa ngoài cabin - thuyền trưởng sợ rằng cô đã chết nên xuống tận nơi kiểm tra. Giấc ngủ dài dường như có tác dụng, nửa sau hành trình Bly hoàn toàn khỏe mạnh và ăn uống ngon miệng, nhanh chóng kết thân với những người bạn mới trên tàu.
Trước khi đến Southampton, Bly phải đối mặt với một quyết định khó khăn. Chính Jules Verne gửi lời mời nữ nhà báo đến thăm nhà ông ở Amiens, Pháp. Nhưng cô chỉ có một cơ hội để đến gặp đại văn hào này mà không trễ chuyến tàu nối tại London. Bly thức trắng hai đêm để không lỡ tàu, và cuối cùng chính vợ chồng Verne đón cô tại ga.
Dù phải giao tiếp nhờ phiên dịch viên, Bly và vợ chồng nhà văn có một cuộc gặp gỡ thân tình. Bly còn biết thêm rằng câu chuyện của Verne lấy cảm hứng từ một bài báo - thêm một chi tiết thú vị với nhà báo như cô.
Cuộc đua
Bly nổi tiếng đến mức những tờ báo khác bắt đầu cạnh tranh với hành trình của cô. Tạp chí Cosmopolitan cử một phóng viên chạy đua với Bly, khởi hành theo hướng ngược lại. Elizabeth Bisland rời New York cùng ngày, và chỉ có 6 tiếng chuẩn bị.
Dù công chúng rất hứng thú với Elizabeth Bisland, Bly lại không hề hay biết đến đối thủ của mình cho đến khi cô đến Hong Kong vào Giáng sinh. Đó là ngày cô được gọi vào văn phòng của Công ty Tàu thủy hơi nước Oriental và Occidental trước khi khởi hành đến Nhật Bản. Khi được hỏi rằng liệu cô có phải là Nellie Bly đang "có một cuộc đua vòng quanh thế giới", câu trả lời của Bly là có, và cô "đang chạy đua với Thời Gian".
Người đối diện lúc đó phản hồi với Bly rằng: "Tôi không nghĩ đó là tên của cô ấy". Đối thủ của cô, Elizabeth Bisland, đã qua Hong Kong 3 ngày trước đó, với một tờ séc trắng từ tòa soạn Cosmopolitan, để hối lộ bất kỳ khoản tiền nào cho những con tàu có lịch khởi hành phù hợp với lịch trình của mình.
Biết điều này, Bly thẳng thắn: "Tôi không chạy đua với bất kỳ ai. Tôi hứa thực hiện chuyến đi trong 75 ngày, và sẽ làm điều đó. Nếu được phê duyệt chuyến này khi tôi đề xuất từ hơn một năm trước, khi ấy có lẽ tôi chỉ có 60 ngày để thực hiện".
Trên đường
Là người phụ nữ du lịch một mình, Bly thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ dư luận hơn một người đàn ông - dù cô cố gắng hết sức đánh lạc hướng công chúng. Trên chuyến tàu thủy từ Italy đến Ai Cập, mọi người lan truyền tin đồn rằng cô là "một ái nữ thừa kế người Mỹ lập dị, đi phượt với một chiếc lược và một cuốn sổ ngân hàng"; rằng có người đề nghị kết hôn với Bly vì gia thế khủng của cô...
Như bất kỳ phượt thủ bình thường nào khác, Bly cũng mắc sai lầm trên đường du lịch, ví dụ như lần cô vô tình xúc phạm người Italy khi cho một đứa trẻ ăn xin một đồng xu. Và dù những quan sát của Bly về các chủng tộc và dân tộc khác ngày nay sẽ bị coi là ý kiến xúc phạm, cô vô cùng tôn trọng những nền văn hóa mình tiếp xúc. Cô dành phần lớn thời gian ghi chép về thời trang của người Nhật, ẩm thực Italy, truyền thống săn cá sấu của người Ai Cập.
Bly đánh điện về cho tòa soạn để báo cáo ngắn gọn về hành trình của cô, nhưng những tờ ghi chú chi tiết lại được chuyển về rất chậm trên tàu thủy. Tòa soạn World không còn cách nào khác để duy trì sự hứng thú của dư luận, ngoài việc in ấn những mẩu chuyện thú vị, kiến thức địa lý về mọi quốc gia Bly đi qua.
Về nhà
Cuối cùng, sau hai tuần bặt vô âm tín trên chuyến tàu 12.875 km băng qua Thái Bình Dương, Bly đặt chân lên đất Mỹ an toàn khi cập cảng San Francisco. Tờ báo World nóng lòng đón người vừa đi vòng quanh thế giới của họ về nhà, thuê nguyên đoàn tàu một toa để đưa Bly về nhanh chóng. Cô được chào đón như một người hùng suốt đường về, đám đông hò rèo ở mọi nhà ga cô dừng nghỉ. Khắp nước Mỹ gọi tên Nellie Bly. Một người đàn ông tại Kansas mời cô về vùng Midwest để cư dân bầu cô thành thống đốc, còn thống đốc thành phố Dodge thân chinh chào đón cô thay mặt cho toàn thể cư dân, Câu lạc bộ Báo chí Chicago còn tổ chức một bữa điểm tâm để vinh danh Bly...
Bly về đến thành phố Jersey vào 15h51 ngày 25/1/1890 - kết thúc hành trình sau 72 ngày 6 giờ 11 phút 14 giây. Cô vượt qua cả mục tiêu tự đặt ra ban đầu tới 3 ngày, và ít hơn hành trình trong tiểu thuyết của Jules Verne tới 8 ngày. Elizabeth Bisland chậm chân hơn Bly 4 ngày rưỡi, bởi đường từ Anh về Mỹ không thuận buồm xuôi gió.
Hành trình của Bly là một thành công vượt bậc, nhưng cô thú thực: "Tôi ngả mũ và thực lòng muốn hét lên với đám đông, không phải vì tôi đã đi vòng quanh thế giới trong 72 ngày, mà vì tôi đã lại về đến nhà".
Năm 1895, Bly từ bỏ sự nghiệp báo chí ở tuổi 31 khi kết hôn với triệu phú 73 tuổi Robert Seaman. Cô giúp chồng điều hành công ty Iron Clad Manufacturing sản xuất can đựng sữa, thùng rác... Khi Seaman qua đời năm 1904, công ty này phá sản còn Bly trở lại với nghề báo. Cô đến Áo trong thời Thế chiến I để viết báo trong 5 năm. Cuối cùng khi trở về New York, Bly đảm nhận một chuyên mục tư vấn, hoạt động vì quyền bầu cử của phụ nữ và hỗ trợ góa phụ và các gia đình nghèo.
Nellie Bly cầm bút cho đến khi qua đời vào năm 1922 ở tuổi 57, vì bệnh viêm phổi. Hành trình phi thường của Bly được kể lại chi tiết trong cuốn sách mang tên Vòng quanh thế giới trong 72 ngày (Around the World in Seventy-Two Days) do chính bà thực hiện.
Bảo Ngọc (Theo Smithsonian Mag)